“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…”

(Dân trí) - Kể về nỗi đau cá nhân, mấy chục năm sau khi chiến tranh khép lại vẫn phải lang thang khắp các bệnh viện với những ca mổ của bản thân, với bệnh tật của 2 con bị di chứng của chất độc da cam, nữ thương binh Trương Hồng Dân vẫn cười hồn hậu, lạc quan: “Giờ cuộc sống gia đình tôi đã vươn dần lên”…

“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 1

Thủ tướng tới dự buổi gặp mặt, chuyện trò với các thương binh.

Câu chuyện cũng như nụ cười của người nữ thương với đôi mắt đã hỏng, gương mặt chằng chịt vết sẹo gây ấn tượng mạnh với các đại biểu dự cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 sáng 25/7.

“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 2
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu chào đón 500 đại biểu tham gia buổi gặp mặt.

Cuộc gặp mặt, theo Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, có 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trên toàn quốc. Các thương binh tham gia chương trình đều mất sức lao động từ 81% trở lên, trong đó hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động tới hơn 90%, 8 đại biểu mất sức lao động 100%...

“Các thương binh nặng, dù điều kiện sống khác nhau, đều có chung ý chí, nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khoẻ, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc rất nhiều tấm gương trong số 500 thương binh dự cuộc gặp mặt.

Chia sẻ câu chuyện của mình, thương binh Trương Hồng Dân (Cần Thơ) không muốn nhắc lại về những mất mát, hi sinh của bà trong quá trình hoạt động cách mạng. Người nữ thương binh với đôi mắt đã hỏng, gương mặt biến dạng vì những vết sẹo chằng chịt vui vẻ kể một câu chuyện vui lần đầu bà dẫn quân đánh đồn địch hơn 50 năm trước. Khi đó, tuổi mới mười chín, đôi mươi, cùng trung đội pháo binh của mình công kích đồn Mỹ Đồn, bà bắt gặp tên Đồn trưởng nổi tiếng ác ôn trốn trong kẹt cửa.

“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 3
“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 4
“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 5

Nữ thương binh Trương Hồng Dân (Cần Thơ) với nụ cười hồn hậu, lạc quan khi đối mặt dù mang nỗi đau riêng của bản thân và gia đình sau khi chiến tranh đã khép lại hàng chục năm.

“Tôi không kịp suy nghĩ gì, cũng chưa có kinh nghiệm, chỉ lập thức nhảy lên đầu, kéo tóc nó lôi ra. Lần đó tôi bị Trung đội trưởng mắng là không sợ sao khi người nhỏ con vậy, gã Đồn trưởng to lớn như hộ pháp giết chết để trốn chạy thì sao? Quả là lúc đó tôi say quá, quên mất sự cảnh giác đó. Lúc đó hận vì nó ác ôn quá, bắt nhiều cán bộ địa phương, dân nó tra tấn cũng nhiều” – nụ cười hồn hậu làm giãn ra những vết sẹo kéo dài từ mắt xuống cằm người nữ thương binh.

Nói về cuộc sống hiện tại của bản thân và gia đình, bà Dân trùng giọng: “Hết chiến tranh rồi, tôi cứ tưởng là trở về cuộc sống bình thường là qua hết những cơn đau, đời sẽ chỉ còn hạnh phúc nhưng không phải vậy. Tôi cũng lấy chồng, đón 2 con lần lượt ra đời nhưng các con đều bị di chứng chất độc da cam. Vậy nên cuộc sống của tôi tới giờ cũng không thanh thản gì hết mà tràn nước mắt lang thang khắp các bệnh viện, hơn 20 ca mổ với bản thân, rồi mấy chục năm ẵm con đi chạy chữa. Vợ chồng tôi vẫn đau đến hết bây giờ cùng với 2 con”.

Nữ thương binh kết thúc câu chuyện của mình, vẫn là một nụ cười hồn hậu, lạc quan. Bà tâm sự, may mắn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, chính quyền, cuộc sống của gia đình cũng dần vươn lên, ngang bằng với bà con lối xóm.

Câu chuyện về nỗi đau tiếp tục trở thành những nụ cười hóm hỉnh khi thương binh Đỗ Văn Du (Bắc Giang) bày tỏ muốn thông qua sóng truyền hình nói lời cảm ơn vợ. “Tôi may mắn vì từ chiến trường trở về vẫn có được vợ tôi. Vợ tôi lấy chồng vất vả, mọi việc nặng nhọc trong nhà, cây cuốc, cái xẻng đều đến tay. Chỉ vài việc nhẹ nhàng tôi có thể giúp vợ như ngồi nhổ cỏ, bỏ hạt” - thương binh Đỗ Văn Du chia sẻ.

Người phụ nữ bên cạnh người cựu chiến binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường đó chỉ cười xoà: “Vợ chồng lấy nhau là vì duyên số, phải chăm lo, yêu thương nhau ngay cả lúc đau ốm, khó khăn thôi chứ tôi cũng biết lấy thương binh nặng cực lắm, mọi việc đều đến tay”.

Nhìn thẳng vào ống kính, đôi mắt rưng rưng, người thương binh đã đi hết quá nửa đời người âu yếm từng lời gửi tới vợ: “Cảm ơn em, người đã luôn bên anh, cùng nhau xây dựng cơ đồ, nuôi dạy các con!”.

“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng bằng khen của Thủ tướng với 72 tấm gương tiêu biểu các thương binh nặng trong thời bình.

Bày tỏ sự xúc động khó nói trước những câu chuyện được kể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan, luôn vươn lên cống hiến của các thương binh là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa cách mạng, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt noi theo.

“Tôi cứ tưởng hết chiến tranh là qua hết những cơn đau…” - 7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN 

Thủ tướng nhắc tới con số 9,2 triệu người có công hiện đang được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, hơn 138.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương bệnh binh thân nhân liệt sỹ, hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đầy, người nhiễm chất độc hoá học… Nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của cả đất nước là phải chăm lo, đền đáp những người có công đó, thực hiện theo đúng đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, ưu đãi người có công với cách mạng. Nhiều hoạt động thiết thực cũng được thực hiện sâu rộng trong xã hội như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu, đỡ đầu con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.

Đáng mừng là đến nay, hơn 98,5% gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Dù vậy, Thủ tướng vẫn lưu ý rất nhiều việc cần làm để chăm sóc, tri ân những người con đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, cống hiến một phần xương máu cho đất nước có ngày hôm nay.

P.Thảo