“Tôi chưa thấy nước nào có Nhà khoa học nhân dân”

(Dân trí) - “Không nên đặt thêm danh hiệu Nhà khoa học nhân dân và Nhà khoa học ưu tú. Đã là Nhà khoa học thì vinh danh thành tựu sáng tạo của họ, bằng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có “Nhà khoa học nhân dân”!”.

Sáng 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lắp.
Hạn chế khen thưởng quan chức từ cấp vụ trở lên

Theo quan điểm đó, việc danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” dự kiến được “nới” định kỳ 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay, tạo điều kiện tôn vinh vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước.

Các hình thức Huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48) cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng: nâng cao tiêu chuẩn, chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét các hình thức khen thưởng, mà lấy các hình thức khen thưởng cấp thấp để khen thưởng cấp cao hơn; tránh khen thưởng tràn lan, trùng lắp, “tích lũy thành tích” và dồn khen thưởng lên cấp trên.

Thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Lao động lên Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng là 10 năm thay cho 5 năm như hiện nay. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn cụ thể để những người lao động có thành tích, dù không phải là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cũng sẽ được khen thưởng. Dự luật cũng bổ sung quy định về tặng Huân chương Sao vàng cho nguyên thủ nước bạn.

Dự thảo luật cũng bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “danh nhân”. Theo Ban soạn thảo, danh hiệu “danh nhân” nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt cho đất nước (Quốc Tổ Hùng Vương, Anh hùng dân tộc…).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thẳng thắn góp ý: “Không nên đặt ra thêm danh hiệu Nhà khoa học nhân dân và Nhà khoa học ưu tú. Đã là Nhà khoa học thì vinh danh thành tựu sáng tạo của họ, bằng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn vinh danh đóng góp cho cộng đồng đối với một số nghề đặc biệt như thầy thuốc, nhà giáo thì đã có Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân… Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có “Nhà khoa học nhân dân”! Ngoài ra, “Danh nhân” cũng không phải là danh hiệu thi đua khen thưởng”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, cần hết sức tránh tính hình thức, đảm bảo các danh hiệu vinh dự được trao cho những đối tượng thực sự xứng đáng; đảm bảo ý nghĩa thực sự của công tác thi đua, khen thưởng.

Một nội dung cũng gây nhiều tranh luận là dự thảo luật đề xuất nhiều quy định nhằm hạn chế khen thưởng đối với quan chức cấp vụ trở lên. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, thực tế thời gian qua, việc khen thưởng lãnh đạo thì nhiều, cán bộ thì ít, khen ở khu vực nhà nước nhiều, ngoài xã hội ít. Để tránh việc khen thưởng tràn lan, chủ trương tới đây sẽ hạn chế tối đa, từ cấp vụ trở lên, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc.

P.Thảo