Tộc người “ngủ ngồi”: Nhúng trẻ sơ sinh xuống nước lạnh!

(Dân trí) - Trẻ con Đan Lai khi được sinh ra, dù mùa đông lạnh buốt hay mùa hè, đều được nhúng xuống dòng Khe Khặng. Người Đan Lai quan niệm, đó là thử thách mà mỗi con người phải vượt qua ngay từ ngày chào đời. Đứa trẻ nào vượt qua được thử thách này sẽ khỏe mạnh.

Thử thách đầu đời

Trải qua hàng trăm năm tồn tại trong rừng sâu, người Đan Lai giữ nguyên những nét riêng của đồng bào mình. Một trong số đó là tục tắm nước lạnh cho trẻ con mới sinh. Bất kỳ đứa trẻ Đan Lai nào mới được sinh ra, nghi lễ đầu tiên phải trải qua là thử thách dưới dòng nước Khe Khặng. Dù đó là ngày hè nóng nực hay ngày mùa đông rét thấu da, đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ sẽ được bế thẳng ra sông và được nhúng xuống dòng nước.

Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.
Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.

“Đứa trẻ nào không vượt qua được thử thách này thì phải chịu thôi. Còn đứa trẻ nào vượt qua được thì sẽ có sức khỏe tốt, ít ốm đau. Nhưng mà trẻ con Đan Lai ít đứa không vượt qua được thử thách này lắm”, cụ La Thị Mếnh (SN 1943, bản Khe Búng, xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) tự hào nói.

Tôi không rõ lời cụ Mếnh nói có đúng không nhưng những đứa trẻ Đan Lai mà tôi gặp, giữa trưa hè nắng chói chang, đầu trần chân đất, chạy nhảy, lê la khắp nơi, được nắng “hun” cho màu da đen giòn,...

“Giờ phụ nữ Đan Lai đã biết đến Trạm y tế của xã để sinh con nhưng người nào sinh tại nhà đều bắt buộc phải cho con trải qua nghi thức tắm nước lạnh. Mùa đông, không cần phải đưa trẻ ra suối nữa mà có thể múc nước về nhà để tắm nhưng lần tắm đầu tiên trong đời vẫn bắt buộc phải tắm nước lạnh. Những lần sau đó có thể đun nước ấm lên để tắm”, cụ Mếnh cho biết thêm.

Không quần áo, không mũ đội đầu, một đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên chơi giữa nắng hè gay gắt.

Không quần áo, không mũ đội đầu, một đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên chơi giữa nắng hè gay gắt.

Chia của cho người chết

Nếu như việc một đứa trẻ sinh ra là việc trọng đại của gia đình thì việc tang ma ít được người Đan Lai chú trọng. Người Đan Lai quan niệm “chết là hết”, bởi vậy việc tổ chức tang ma hết sức đơn giản, không có việc cúng bái rình rang và cũng không có truyền thống tổ chức lễ giỗ hàng năm cho người đã khuất.

Anh Lê Văn Mão (trưởng bản Khe Búng) cho biết: “Người Đan Lai không để người chết quá 2 tiếng trong nhà. Nếu tử vong buổi đêm thì phải đợi đến sáng hôm sau là đưa đi ngay. Trước thì người chết được bó trong chiếu, nay thì được khâm liệm trong quan tài rồi huy động nhân lực gánh ra bãi tha ma của bản để chôn cất”.

Không quần áo, không mũ đội đầu, một đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên chơi giữa nắng hè gay gắt.
Người Đan Lai chia đều của cải cho người đã chết, từ nồi niêu xoong chảo cho đến con trâu, con bò...

Trước khi đưa người đã khuất đi chôn, người Đan Lai phải thực hiện nghi thức chia của cho người chết. Người Đan Lai quan niệm, của cải trong nhà phải chia đều cho nhau, trai cũng như gái, kể cả đối với người đã khuất. Với những tài sản lớn như trâu, bò, lợn, sau khi được phân chia, người đã khuất sẽ được nhận “tượng trưng” là dây chão (dây thừng) xâu qua mũi trâu bò hay rọ mõm của con lợn.

“Việc chia của chỉ là tượng trưng nhưng nhất thiết phải chia đều. Tùy vào từng điều kiện của mỗi gia đình, của cải sau khi được chia sẽ được giữ lại hay đưa ra bãi tha ma cho người chết”, anh Mão cho biết thêm.

Cuộc đưa ma của người Đan Lai diễn ra vội vã, chóng vánh. Bãi tha ma là một khu vực riêng biệt trong rừng sâu, ít người lai vãng. Sau khi hoàn tất việc chôn cất, những của cải được chia cho người chết được đập nát. Sau lễ “đập bát” đó, những người đưa ma sẽ quay đầu chạy một mạch về nhà. Từ đó, không ai quay lại khu vực chôn cất người chết thêm một lần nào nữa bởi như ông Bí thư chi bộ nói: “Chết là hết rồi, không còn chi vướng bận nữa”.

Không quần áo, không mũ đội đầu, một đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên chơi giữa nắng hè gay gắt.
Bãi tha ma của người Đan Lai nằm trong rừng sâu. Sau khi chôn cất, người sống không bao giờ quay lại đó để viếng mộ.

“Chết là hết”, bởi vậy người Đan Lai cũng không tổ chức cúng giỗ cho người đã khuất mà cúng chung cho tất cả mọi người trong dịp Tết. Trong bữa cúng đó, ngoài cơm, rượu, thịt, nhất quyết không được thiếu nước chè xanh – thứ nước mà cùng với trầu không và bếp lửa đã giúp người Đan Lai chống chọi với mùa đông khắc nghiệt của rừng già. 

Không cúng giỗ không có nghĩa là người Đan Lai quên tổ tiên của mình. Những người đã khuất cùng với công lao của họ đối với bản mường vẫn được kể lại cho con cháu bên những bếp lửa bập bùng suốt đêm...

Hoàng Lam