Đồng Tháp:

Tình trạng trẻ em đuối nước - "bài toán" khó giải!

(Dân trí) - Từ 2011, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ từ 7-15 tuổi. Tuy nhiên, trong 5 năm qua đã có 234 trẻ bị đuối nước, tỷ lệ bình quân 46,8 trẻ/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 22 em tử vong vì đuối nước.

Loay hoay bài toán hồ bơi

Trước tình hình trẻ em đuối nước "đứng đầu" các tỉnh ĐBSCL, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 34/KH – UBND, ngày 13/5/2011 về phổ cập bơi, phòng chống đuối nước trẻ em của tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2011 – 2015 và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Trưởng ban tổ chức chương trình phổ cập bơi cho trẻ trong độ tuổi từ 7 – 15.

Qua khảo sát, năm 2011 số trẻ em trong độ tuổi 7 – 15 không biết bơi trong toàn tỉnh chiếm đến 48,81% (tổng số 108.440 em). Qua 5 năm thực hiện, các huyện thị thành đã mở được 4.568 lớp, dạy bơi cho 115.248 em biết bơi, đạt 105,03% số em biết bơi so kế hoạch.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua vẫn còn 234 trẻ em tử vong vì đuối nước, trung bình mỗi năm có 46,8 em bị đuối nước. Trong đó số trẻ em tử vong vì nguyên nhân đuối nước trong độ tuổi 7 – 15 chưa giảm nhiều. Cụ thể: năm 2011 là 7 em, năm 2012: 9 em, năm 2013: 8 em, năm 2014: 13 em và năm 2015: 12 em.


Dù tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch thực hiện phổ cập bơi phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em nhưng đến nay số trẻ em đuối nước vẫn còn cao. Nhiều nơi còn dùng tre nứa dạy bơi cho trẻ như thế này

Dù tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch thực hiện phổ cập bơi phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em nhưng đến nay số trẻ em đuối nước vẫn còn cao. Nhiều nơi còn dùng tre nứa dạy bơi cho trẻ như thế này

Ông Nguyễn Ngọc Lê – Phó Phòng nghiệp vụ Thể thao, Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho biết: “Chương trình phổ cập bơi phòng chống đuối nước trẻ em tỉnh Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm hạn chết tình trạng đuối nước trẻ em, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phù hợp với quan điểm “sống chung với lũ” của người dân miền Tây.

Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, đơn vị tổ chức chương trình phổ cập bơi nhìn nhận còn có nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là bể bơi. Tính đến nay, tỉnh đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ xây dựng 11 bể bơi bằng compsite, 6 bể bơi bằng bê tông cốt thép hỗ trợ các địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, vì vậy đến nay nhiều địa phương vẫn còn dùng tre nứa làm lồng bơi tự chế dưới sông để dạy bay chưa đảm bảo an toàn”.


Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phổ cập, phòng chống đuối nước, tỉnh đã trích ngân sách xây dựng được 6 hồ bơi bằng bê tông, cốt thép như thế này.

Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phổ cập, phòng chống đuối nước, tỉnh đã trích ngân sách xây dựng được 6 hồ bơi bằng bê tông, cốt thép như thế này.

Nói về cái khó trong phổ cập bơi tại trường, Thầy Nguyễn Thành Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 (huyện Tháp Mười) cho biết: Xuất phát từ nỗi lo học sinh đuối nước, từ năm 2008 thầy cô trong trường chúng tôi đã dùng tre, lưới, bạt nilon… làm hồ bơi dạy bơi cho các em. Nhờ cái hồ bơi dã chiến này mà 8 năm qua không có em học sinh nào tử vong vì đuối nước. Nhưng tôi thú thật, khi nhìn các em học sinh học bơi trên sông chúng tôi thấy còn nhiều bất cập và lo lắm. Cụ thể, thời gian, triều cường và nhất là lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm. Vì thế, nếu ở xã chúng tôi có được cái hồ bơi di động thì việc dạy bơi cho hai trường tiểu học trên địa bàn xã sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Lê, chi phí một hồ bơi bê tông, cốt thép trên 500 triệu đồng. Đây làm một chi phí khá lớn nhưng được cái là sử dụng lâu dài. Còn đầu tư vào các bể bơi di động, composite chi phí thấp hơn nhưng tuổi thọ ngắn.

Kiến nghị đưa môn bơi vào nhà trường

Trong mấy ngày vừa qua, tại tỉnh Lạng Sơn, Đồng Nai… liên tiếp xảy ra hai vụ đuối nước thương tâm làm 7 em nhỏ tử vong… “Khi đọc những thông tin này những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thấy đau lòng lắm. Như tỉnh Đồng Tháp, mấy năm qua Tỉnh ủy, UBND dân rồi nhiều sở ngành chung tay vào công tác phòng chống trẻ em đuối nước. Kết quả số trẻ em tử vong có giảm nhưng vẫn còn cao dù các sở ngành đã vào cuộc quyết liệt”. Bà Lê Thị Phiến – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐTB và Xã hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.


Hồ bơi tại xã Hòa An, sau khi hoàn thành lớp dạy bơi cho hơn 100 trẻ tại địa phương cũng phải cửa đóng, then cài chờ chiêu sinh lớp mới...

Hồ bơi tại xã Hòa An, sau khi hoàn thành lớp dạy bơi cho hơn 100 trẻ tại địa phương cũng phải "cửa đóng, then cài" chờ chiêu sinh lớp mới...

Bà Phiến cho biết, trong các tai nạn thương tích đối với trẻ em ở Đồng Tháp thì đuối nước ở trẻ là chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì thế trong thời gian qua, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp để kéo giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ, như vận động người dân tham gia “ngôi nhà an toàn” (xây hàng rào quanh nhà); Trường học thân thiện, phòng chống thương tích cho học sinh; Vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy… Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước còn cao, cụ thể năm 2013: 46 em, 2014: 56 em, năm 2015: 37 em và 6 tháng đầu năm 2016 đã có 22 trẻ tử vong.

Theo bà Phiến, nguyên nhân trong các vụ tai nạn này đa phần là vì cha mẹ bất cẩn, hoặc đi làm rồi gửi con lại cho ông bà lớn tuổi ở nhà trông coi nên một phút lơ đãng là xảy ra tai nạn. “Để giảm nguy cơ đuối nước cho trẻ, chúng tôi đã có kiến nghị với Sở GD – ĐT để ngành có kiến nghị với cấp trên sớm đưa bộ môn bơi lội vào giờ học thể dục và trở thành một môn bắt buộc” - Bà Phiến cho biết.


Nhiều địa phương ở Đồng Tháp kiến nghị nên đầu tư hồ bơi kiểu di động như thế này để giảm tốn kém và có thể di chuyển đến những địa phương đang có nhu cầu dạy bơi cho trẻ

Nhiều địa phương ở Đồng Tháp kiến nghị nên đầu tư hồ bơi kiểu di động như thế này để giảm tốn kém và có thể di chuyển đến những địa phương đang có nhu cầu dạy bơi cho trẻ

Ngoài ra, bà Phiến cũng cho biết thêm, hiện nay rất nhiều địa phương có kiến nghị thay vì xây dựng hồ bơi bê-tông cốt thép tốn nhiều kinh phí, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế nên nhiều địa phương đã đề nghị nên xây dựng bể bơi di động, dã chiến để đáp ứng nhu cầu thực tế, vì loại bể bơi này trong khoảng 50 - 60 triệu đồng là địa phương có thể xã hội hóa một nửa là đã có bể bơi.

Ông Nguyễn Ngọc Lê – Phó Phòng nghiệp vụ Thể thao thuộc Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho biết: “Ngoài cái khó hiện nay đơn vị chúng tôi gặp phải khi thực hiện chương trình phổ cập bơi cho trẻ là kinh phí xây dựng hồ bơi thì sự phối hợp giữa các ngành thành viên Ban tổ chức chương trình, nhất là ở cấp huyện, xã còn chưa cao. Đặc biệt, ý thức của người dân trong việc bảo vệ con mình khỏi nguy cơ đuối nước còn thấp. Do vậy, trong lúc đơn vị tiếp tục có kế hoạch phổ cập bơi (đã trình UBND tỉnh) giai đoạn tiếp theo thì rất mong cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền để người dân càng nâng cao ý thức phòng chống nguy cơ đuối nước cho con em mình trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc”.

Nguyễn Hành

Tình trạng trẻ em đuối nước - "bài toán" khó giải! - 5