Tin con đỗ ĐH, nhiều phụ huynh “đổ xô” về Hà Nội tìm nhà trọ

(Dân trí) - Mặc dù hiện nay các trường ĐH, CĐ chưa chính thức công bố điểm chuẩn nhưng nhiều bậc phụ huynh từ các tỉnh đã đổ về Hà Nội tìm nhà trọ cho con vì lo sẽ “cháy” phòng vào dịp nhập học tới. “Cò mồi” nhà trọ cũng được dịp hốt bạc.

Tin chắc con sẽ đỗ đại học, lại sợ “cháy” phòng trọ như các năm trước, các ông bố, bà mẹ ở ngoại tỉnh, có điều kiện đã không ngần ngại mạnh tay chi tiền lo chỗ ở cho con. Nhiều người sẵn sàng đặt trước phòng trọ cả tháng nay, đóng cả tiền đặt cọc nhà để giữ phòng gần trường, sạch sẽ, an toàn.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay các khu trọ xung quang các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), giá thuê trọ đã được đẩy lên rất cao. Dù chưa vào năm học nhưng nhiều khu trọ đã kín người thuê.
 
Sau khi biết điểm thi ĐH, tin là con sẽ đỗ nên nhiều phụ huynh và học sinh lên 

Sau khi biết điểm thi ĐH, tin là con sẽ đỗ nên nhiều phụ huynh và học sinh lên Hà Nội tìm nhà thuê trọ trước (ảnh minh họa: Quang Phong)
 
Khu vực quận Thanh Xuân, nơi tập trung rất nhiều trường ĐH, CĐ: ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, ĐH Hà Nội, ĐH Kiến Trúc, ĐH Bưu Chính Viễn Thông… Chính vì tập trung quá nhiều trường nên một địa bàn nên việc tìm nhà rất khó khăn cho các tân sinh viên, giá thuê trọ cũng khá cao: từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng/ tháng, chưa kể điện nước, với điện tích từ 15 - 20 m2, tùy thuộc vào chất lượng nhà. Đối với chung cư mini thì giá cao hơn, từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng/tháng với diện tích từ 20 - 35 m2.

Tai các khu vực Cầu Giấy, Đống Đa -  nơi tập trung nhiều trường ĐH - cũng có giá tương tự. Nếu muốn tìm các địa điểm thuê trọ có giá rẻ hơn thì phải tìm các phòng trọ xa trường từ 8 đến 10 km, như: Ba La (Hà Đông), Nhổn, Linh Đàm… Giá thuê phòng từ 1.100.000 đến 1.500.000 đồng/tháng với điện tích 12 - 15m2.

Chị Phương ở Vĩnh Phúc chia sẻ: “Con tôi thi ĐH Bưu Chính Viễn Thông được 23 điểm nên tin chắc chắn là đỗ. Nghe các cháu đi học trước nói tìm nhà trọ ở Hà Nội vất vả lắm nên khuyên tôi tìm trước đi. Xuống Hà Nội, hỏi qua người này người nọ tôi tìm được chỗ trọ gần trường cho cháu ở ngõ Ao Sen. Với diện tích 18m2, giá thuê là 2,1 triệu đồng/ tháng (chưa kể điện, nước). Đầu tháng 9 cháu nhập học rồi, tôi chấp nhận mất tiền thuê nhà cho cháu từ tháng 8 này và tiền đặt cọc. Mình mất một ít tiền nhưng tìm được nhà tốt để con cái học hành cũng yên tâm, chứ để ít nữa mới đi tìm thì giá nhà vừa tăng mà có khi cháy phòng, không có mà thuê”.

So với thời điểm này năm ngoái thì giá phòng trọ đã tăng lên từ 100.000 đến 200.000 đồng/căn/tháng. Trong khi đó giá chỗ ở kí túc xá trung bình 90.000- 120.000 đồng/ tháng. Có thể nói nhà trọ ngoài đã cao hơn 10- 20 lần so với ký túc xá. Dù đắt nhưng phòng trọ ở ngoài vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các tân sinh viên.

Bác Xuân - chủ một nhà trọ 6 tầng ở khu Phùng Khoang( Từ Liêm - Hà Nội) cho hay: “Dù nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng hầu hết các phòng đã được đặt chỗ hết, toàn là các bậc phụ huynh tỉnh xa về đặt phòng cho con tháng 9 nhập học”.
 
Giá nhà trọ leo thang từng ngày nhưng vẫn có nguy cơ... cháy
Giá nhà trọ "leo thang" từng ngày nhưng vẫn có nguy cơ... "cháy"

Dọc nhiều tuyến phố, các biển quảng cáo cho thuê nhà được dán khắp nơi nhưng đây chủ yếu là quảng cáo của các “cò” môi giới. Nhiều bậc phụ huynh do không có người quen ở Hà Nội, lang thang tìm nhà khó khăn nên đã tìm đến “cò”, chấp nhận mất phí để có nhà trọ cho con.

Chú Lâm (ở Nghệ An) lên Hà Nội tìm nhà trọ cho con, bức xúc: sau khi gọi điện vào số điện thoại và hứa dẫn đi xem nhà Khương Đình, với lệ phí 150.000 đồng, nhưng đi lòng vòng tới một xóm trọ ẩm thấp, an ninh không được đảm báo với giá là 1.300.000 đồng 9m2. Tôi thất vọng quá may mà không thuê không mất nủa tháng tiền nhà cho “cò”.

Nêu băn khoăn: Nhỡ thuê nhà cho con rồi mà con không đỗ thì thế nào? Chị Hoa (ở Xuân Mai - Hà Nội) vui vẻ nói: “Có gì mà phải lo, điểm thi đạt cao mà điểm sàn mọi năm chỉ từ 12 -15 điểm, điểm chuẩn cao cũng chỉ 20 điểm nên tôi rất tin tưởng còn mình đỗ ĐH. Nếu không đỗ trường theo nguyện vọng của mình thì cũng có thể đăng ký vào trường khác, có nhiều trường không thi họ cũng đánh giấy gọi đi học mà”.

Kim Hiền