Đắk Nông:

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát

(Dân trí) - Hơn 100 ha lúa đang giai đoạn phát triển của người dân xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ chết khát vì công trình thủy điện Chư Pông Krông. Trước đó, công trình thủy điện này cũng gây thiệt hại cho hàng chục căn nhà của người dân khi nổ mìn, phá đá, ngăn dòng để thi công.

Nắn sông, đổi dòng làm thủy điện

Theo đó, để xây dựng thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã nắn dòng sông Krông Nô (đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) về phía huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hậu quả là trạm bơm ven sông bị vô hiệu hóa, không thể cung cấp nước cho diện tích lúa của người dân.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 1
Thủy điện Chư Pông Krông ngăn dòng để thi công công trình

Ông Nguyễn Văn Danh (trú buôn Sứk, xã Quảng Phú) cho biết năm nay gia đình buộc phải gieo sạ muộn hơn so với năm trước khoảng nửa tháng do tình trạng khô hạn kéo dài, trạm bơm nước từ sông Krông Nô vào cánh đồng buôn Sứk không hoạt động, nguồn nước khan hiếm.

Hiện nay, gia đình mới chỉ sạ lúa được 2 tuần, nước vẫn thiếu trầm trọng, mỗi ngày chỉ lấy được một buổi, có khi phải đợi đến nửa đêm mới đưa được nước vào ruộng”, ông Danh cho hay.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 2
Việc này làm cả trăm hecta lúa nước của người dân gần đó thiếu nước

Theo các hộ dân, việc gieo sạ chậm sẽ dễ phát sinh một số loại bệnh trên cây trồng, đến khi thu hoạch lại bị chim, chuột phá hại. Hiện nay, khi cây lúa cần nước ngập chân để sinh trưởng, phát triển ổn định, thì nhiều thửa ruộng chỉ có nước cầm chừng khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém thêm chi phí.

Trạm bơm D12 tại xã Quảng Phú được xây dựng để bơm nước trực tiếp từ sông Krông Nô và cánh đồng buôn Sứk và cánh đồng D12, phục vụ khoảng 160ha lúa nước, chưa kể các cây trồng khác. Khoảng hơn 1 tháng nay, trạm chỉ hoạt động cầm chừng do mực nước sông xuống thấp, dòng sông đổ dồn sang phía huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), còn phía huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) thường xuyên trong tình trạng trơ đáy.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 3
Trạm bơm cũng hoạt động cầm chừng vì... không có nước

Theo UBND xã Quảng Phú, trong quá trình xây dựng thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã nạo vét, tác động vào lòng sông và đẩy dòng nước sang phía tỉnh Đắk Lắk, trạm bơm D12 bị hụt “chân”, không bơm được nước hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Cũng theo UBND xã Quảng Phú, người dân địa phương đang rất bức xúc về vấn đề này. Nhiều hộ dân đã yêu cầu UBND xã phải sớm giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không sẽ khiếu kiện, yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc xử lý.

Dân “lãnh” hậu quả vì công trình tư nhân

Ông Hồ Tràng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú cho biết việc thi công thủy điện Chư Pông Krông đã làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân tại xã Quảng Phú. Thời điểm này năm ngoái, việc đơn vị thi công nổ mìn phá đá làm nứt nhà dân và đến nay vẫn chưa bồi thường xong. Năm nay lại xảy ra tình trạng nắn dòng để thi công thủy điện làm cả cánh đồng thiếu nước, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 4
Trước đó, trong quá trình thi công, công trình này đã làm hư hỏng nhiều nhà dân

“Các năm trước, mỗi khi trạm bơm thiếu nước, chúng tôi huy động người dân tham gia nạo vét, xử lý khu vực lòng sông dưới “chân” trạm bơm để bơm nước vào cánh đồng. Năm nay cũng khô hạn kéo dài nhưng không làm được, vì dòng sông đã bị nắn đi hướng khác, cách chân trạm bơm hàng chục mét”, ông Tràng thông tin thêm.

Cũng theo lãnh đạo Đảng ủy xã Quảng Phú, dù sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng phía chủ đầu tư, đơn vị thi công thủy điện vẫn tỏ ra không hợp tác, coi như đó chỉ là việc nhỏ. UBND xã Quảng Phú đã đề nghị, phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành khảo sát và có văn bản báo cáo lên UBND huyện Krông Nô và các ngành chức năng liên quan xử lý theo thẩm quyền.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 5
Hệ thống máy bơm nước hoạt động cầm chừng vì công trình thủy điện nắn dòng

Trước đó, Dân trí đã từng phản ánh quá trình thi công thủy điện Chư Pông Krông, hàng chục căn nhà của người dân xã Quảng Phú bị ảnh hưởng. Mặc dù công trình này nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk, song quá trình nổ mìn, phá đá, đắp đập, ngăn dòng lại ảnh hưởng trực tiếp lên các hộ dân tỉnh Đắk Nông.

Công trình này do vợ ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông làm chủ. Thời điểm này, ông Hồng phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về năng lượng, thủy điện, kỹ thuật an toàn, môi trường và khoa học công nghệ. Ngay sau đó, Sở Công Thương Đắk Lắk đã phân công ông này phụ trách một lĩnh vực khác.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 6

Để khắc phục, lấy nước cho sản xuất, bà con xã Quảng Phú phải ngăn dòng lấy nước 

Cũng liên quan đến công trình thủy điện, tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp) đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng để làm thủy điện Chư Pông Krông. Ngày 17/3, Bộ Nông nghiệp đã có văn bản trả lời, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, giữ nguyên hiện trạng.

Tuy nhiên, đến ngày 21/4/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét có ý kiến đồng thuận chuyển giao số diện tích này cho UBND huyện Lắk quản lý để có cơ sở lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc thuê làm thủy điện.

Thủy điện nhà Phó giám đốc Sở nắn dòng, cả trăm ha lúa… chết khát - 7
Nhiều hộ nông dân phải chịu hậu quả do công trình thủy điện tư nhân mang đến

Ông Nguyễn Kim Mùi, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây lắp điện Hưng Phúc (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện Chư Pông Krông lại cho rằng nguyên nhân chính trạm bơm D12, xã Quảng Phú không hoạt động được là do khô hạn, mực nước sông xuống thấp.

Việc nạo vét một số khu vực trên đoạn sông gần trạm bơm Công ty đã tính phương án, nhưng phần do địa hình, phần do nguồn nước nên mới xảy ra tình trạng trạm bơm bị hụt nước. Phía Công ty sẽ sớm khắc phục, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho dân và chịu toàn bộ chi phí liên quan.

Dương Phong