Thủy điện đội vốn “khủng”: Không thể chấp nhận suất đầu tư quá lớn

(Dân trí) - Đó là ý kiến của GS.TS. Nguyễn Thế Hùng – Trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) kiêm Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam khi trao đổi với PV Dân trí về dự án thủy điện Sông Bung 2 đội vốn “khủng”.

Đối với suất đầu tư 1MW thủy điện hiện nay có giá thành bao nhiêu là có thể chấp nhận được? GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho hay, cái này nằm trong một khoảng nào đó để có hiệu quả kinh tế; tuy nhiên mức tăng suất đầu tư đối với 1MW thủy điện lớn quá thì không thể chấp nhận được.

GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho rằng, suất đầu tư thủy điện lớn thì hiệu quả sẽ thấp
GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho rằng, suất đầu tư thủy điện lớn thì hiệu quả sẽ thấp

“Đối với thủy điện Sông Bung 2, đầu tư trên 5.200 tỉ đồng cho 100MW thì suất đầu tư như vậy là cao. Suất đầu tư cao thì hiệu quả kém (tỉ lệ ngược lại) vì thời gian hoàn vốn lâu. Thông thường đầu tư vào thủy điện cao hơn đầu tư nhiệt điện nhưng tương lai giá điện sẽ rẻ hơn nhiệt điện”, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng nói.

Về vấn đề do sạt lở, trượt giá… ở dự án thủy điện Sông Bung 2 là một trong những nguyên nhân làm dự án đội vốn tăng cao; GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho rằng, khi khảo sát, thiết kế có thể có vấn đề không chính xác cũng như trong quá trình thi công có thể phát sinh cái mới ngoài thiết kế; tuy nhiên nếu có tăng thêm thì không thể nhiều được.

Đập tràn thủy điện Sông Bung 2
Đập tràn thủy điện Sông Bung 2

“Thông thường, các dự án thủy điện cho phép đội vốn 10%, còn trong những trường hợp bất thường thì phải có đoàn kiểm tra nghiêm ngặt để làm rõ việc đội giá này”, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng nói.

“Dự án thủy điện được hoàn vốn trong khoảng thời gian 10 năm, có thể tăng thêm từ 1-2 năm chứ không được lâu quá. Sông Bung 2 là một trong những nhà máy thủy điện có suất đầu tư lớn nên hiệu quả đầu tư sẽ thấp”, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho hay.

GS.TS. Nguyễn Thế Hùng trao đổi với PV Dân trí

GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cũng thông tin, hiện nay trên thế giới nghiêng về xu thế làm thủy điện nhỏ và vừa vì tác động đến môi trường ít. Nhìn chung, thủy điện là loại năng lượng tái sinh, nếu như quản lý tốt, tính toán hợp lý thì tác động môi trường không nhiều lắm.

“Nếu làm thủy điện lớn thì gây ngập lòng hồ lớn và làm thay đổi sinh thái lòng hồ, đoạn sông hạ lưu hồ; phù sa lắng đọng trong lòng hồ nên đồng bằng hạ lưu sẽ mất một lượng phù sa khá lớn, do đó thủy sinh vật trong dòng sông hạ lưu cũng sẽ bị thay đổi, dòng sông, cửa sông cùng bờ biển hạ lưu có khả năng xói lở cao”, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng nói thêm.

Công Bính