Quảng Nam:

Thủy điện còn quá nhiều tồn tại

(Dân trí) - Bên cạnh nhiều mặt được, các công trình thủy điện trên địa bàn Quảng Nam còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Ngày 16/7, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có báo cáo gửi Trung ương về tình hình triển khai các dự án thủy điện, tái định cư, Nghị quyết 30a và cơ chế chính sách cho các huyện miền núi theo tinh thần CV 588/TTg-ĐP của Thủ tướng Chính phủ.

Thủy điện Sông Tranh 2 gây ra nhiều mối lo cho người dân huyện Bắc Trà My
Thủy điện Sông Tranh 2 gây ra nhiều mối lo cho người dân huyện Bắc Trà My

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Nguyễn Ngọc Quang - tỉnh Quảng Nam quy hoạch 42 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 1.584 MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỷ kWh/năm, gồm thủy điện bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 dự án với tổng công suất 1.147MW, điện lượng 4,521 tỷ kWh/năm (chiếm 72,37% công suất thủy điện toàn tỉnh theo quy hoạch); thủy điện vừa và nhỏ có 32 dự án với tổng công suất quy hoạch hơn 437 MW, điện lượng 1,74 tỷ kWh/năm (chiếm 27,63% công suất thủy điện toàn tỉnh theo quy hoạch).

Đến nay, Quảng Nam đã có 13 dự án đã phát điện với tổng công suất trên 766 MW gồm 5 dự án thủy điện bậc thang (A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4A và 4B), Sông Bung 6) và 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ (gồm Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh, An Điềm 2, Tà Vi, Đăk Mi 4C).
 
Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 gây nứt trường học
Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 gây nứt trường học
 

Ngoài ra, có 9 dự án đang triển khai thi công xây dựng với tổng công suất 654MW gồm 5 dự án thủy điện bậc thang (Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3) và 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ (Sông Bung 4A, Tr’Hy, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4).


Bên cạnh đó, có 11 dự án đã tham gia ý kiến thiết kế cơ sở, công suất theo dự án đầu tư 120,86MW; 8 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư, công suất theo quy hoạch 37,6MW.
 

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, các dự án thủy điện đầu tư sẽ bổ sung nguồn điện cho điện lưới quốc gia, góp phần đáng để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn điện trên phạm vi cả nước; Tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách.


Mặt khác, các dự án thủy điện có hồ chứa góp phần điều tiết lũ, lụt vào mùa lũ; tạo điều kiện tốt hơn trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất (đặc biệt là sản xuất nông nghiệp) vào mùa khô. Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân
 
Khu TCĐ thủy điện Sông Tranh 2 bị bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân
Khu TCĐ thủy điện Sông Tranh 2 bị bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân
 
33 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến 3.270 hộ với 14.850 nhân khẩu; trong đó 1.733 hộ dân phải di dời, tái định cư đến nơi ở mới do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Trong đó, hầu hết thuộc các dự án bậc thang thủy điện do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt quy hoạch; Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đã được thẩm định phê duyệt có số lượng tái định cư là 1.649 hộ.

Bên cạnh những mặt được, thủy điện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Theo đó, trong quá trình xây dựng, các hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng các công trình thủy điện đã tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí làm ảnh hướng đến tài nguyên động, thực vật… phải di dân, tái định cư; xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
 
Dưới chân thủy điện là những dòng suối cạn khô
Dưới chân thủy điện là những dòng suối cạn khô

Công tác vận hành, điều tiết nước trong mùa mưa của một số hồ, đập chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng gây ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu. Đặc biệt tình hình động đất thường xuyên tiếp diễn tại khu vực dự án thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua luôn gây tâm lý lo ngại cho người dân.

Công tác di dời, tái định cư còn nhiều bất cập, các khu tái định cư quy hoạch chưa hợp lý, bố trí không đủ đất sản xuất cho người dân tái định cư, đất đai xấu, sản xuất không ổn định; tình hình thiếu đất sản xuất của hộ dân tái định cư thuỷ điện Sông Tranh 2 và thuỷ điện A Vương còn tồn tại chưa được giải quyết.

Việc xây dựng nhà tái định cư của một số dự án thủy điện chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương; rất khó khăn trong sinh hoạt đặc biệt là phát triển chăn nuôi và vấn đề môi trường. Điểm hình là tại thủy điện Sông Tranh 2, đến nay việc khắc phục những tồn tại vẫn chưa xong.
 

Tại thủy điện này, trong vòng 3 tháng nay kể từ trận động đất 3,8 độ richter vào ngày 7/4, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 không ghi nhận thêm đợt rung chấn nào. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7 lại rộ lên thông tin nghi có vết nứt ngang đập thủy điện gây hoang mang cho người dân; sau đó chính quyền huyện Bắc Trà My và BQL Sông Tranh 2 đã kiểm tra và bác bỏ thông tin này, đồng thời khẳng định đó chỉ là dấu vết các đường khớp nối mí của khuôn đúc.

Các công trình kết cấu hạ tầng tại các khu TĐC thủy điện như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được xây dựng đồng bộ, đầy đủ hơn nơi ở cũ, nhưng chất lượng một số công trình đạt thấp và nhanh xuống cấp.

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các ban, ngành có chức năng lập quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho người dân mất đất để xây dựng công trình chưa chặt chẽ và hợp lý.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề đối với người dân vùng giải tỏa gặp nhiều khó khăn, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều nan giải, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và tập quán của người dân.

Do vậy, đời sống của các hộ dân sau khi tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu đất sản xuất”, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết.

 Công Bính