"Thung lũng hoàn lương" của các nữ giang hồ

Cách tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km về phía Tây Bắc, có một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng của những “công dân” đặc biệt trú ngụ. Ở nơi đó, người địa phương hay gọi là “thung lũng hoàn lương” hay “làng hoàn lương” của các “nữ giang hồ”.

“Ngụ cư” vì sợ hoàn nghề
 
Hòa Bắc là xã miền núi của TP. Đà Nẵng, nơi đây từ lâu đã thành lậpTrung tâm Giáo dục Dạy nghề 05-06 (dành cho các đối tượng mại dâm; ma túy) thuộc Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng.
 
"Thung lũng hoàn lương" của các nữ giang hồ  - 1
Làng hoàn lương của các nữ giang hồ ở xóm Bầu Bàng
 

Mấy ai biết được, xóm Bầu Bàng (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) - vùng đất nằm tách biệt ở thượng nguồn sông Cu Đê, từng là chốn dừng chân của hàng chục thân phận phụ nữ đã một thời lầm lỗi, từ nhiều nơi “hội tụ” về.

Sau một thời gian dài được giáo dưỡng ở trung tâm, các “nữ giang hồ” 05-06 mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ cùng chung suy nghĩ là mặc cảm với tội lỗi, không còn biết đi đâu, và rất sợ bản thân mình hoàn lại con đường cũ.

Chị Trần Thị Minh Nguyệt (57 tuổi, quê Chu Lai, Quảng Nam) tâm sự về tuổi thơ bất hạnh đã đưa đẩy cuộc đời chị đến với con đường tội lỗi: Khi chị lên 2 tuổi, mẹ qua đời, ba bỏ xứ ra đi biệt tích, chị sống với bà nội (xã Tam Anh, Núi Thành - Quảng Nam) được vài năm nữa thì bơ vơ không còn nơi nương tựa.

Chị lang thang kiếm sống qua ngày, khi đến tuổi trăng tròn, chị bị sa vào con đường buôn phấn bán hương kiếm tiền nuôi thân và bị bắt vào năm 1982 đến đầu năm 1984 ra trại.

Chị lại không biết đi đâu khi cuộc đời mình là “con số không” trọn vẹn, không gia đình, không chồng con, không nhà cửa, không một xu dính túi… và cám dỗ đời thường đã lôi cuốn chị trở lại con đường cũ và chị lại tiếp tục bị bắt.

Chị tâm sự: “Một khi đã không còn gì để mất thì con người ta sống rất dễ buông xuôi, tôi đã 2 lần sa ngã nên rất sợ rời khỏi vùng đất này, tôi lại không kiềm chế được bản thân”.
 
"Thung lũng hoàn lương" của các nữ giang hồ  - 2
Chị Phúc và chị Nguyệt làm thuê kiếm sống
 

Khá hơn chị Nguyệt, chị Trần Thị Phúc (SN 1952) khi ra trại (năm 1979) vẫn còn có người thân ở Điện Bàn (Quảng Nam). Nhưng, chị mặc cảm với tội lỗi, không chịu được những lời dèm pha của bà con lối xóm, và đặc biệt hơn mảnh đất này đã gắn với những vui buồn của cuộc đời chị, nó sẽ luôn nhắc nhở chị đoạn tuyệt với con đường cũ.

Lúc ra trại, chị như nửa đùa nửa thật với những người cán bộ địa phương: “Mấy chú không cho tôi ở lại đất này, tôi sẽ trở lại con đường cũ”.

Đến giờ, chị vẫn còn thấy sợ khi nhắc lại chuyện cũ nếu lúc đó cán bộ địa phương không cho ở lại, chắc có lẽ chị cũng đã đi bụi lại rồi… 

Ông Phạm Tấn Minh - trưởng thôn Lộc Mỹ cho biết: Theo thống kê của xã Hoà Bắc, những hộ đầu tiên từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, đến nay đã có hơn chục hộ với 33 nhân khẩu, thì xóm Bầu Bàng, thôn Lộc Mỹ có trên 20 người từng là thành viên của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề 05 -  06 và phần đông là nữ. 

Cơ cực phận gái mưu sinh

Theo như lời kể của chị em, thì ngày trước xóm Bầu Bànghoang vu lắm, người không có, xung quanh chỉ toàn là rừng với rừng. Các chị che tạm túp lều, sau đó kiếm công việc làm thuê, làm mướn hay đi rừng hái củi bán sống tạm qua ngày.

Cuộc sống những ngày đầu ở nơi đây thật không dễ như những gì họ tưởng. Đất đai thì không có, chỉ trông chờ vào việc làm thuê cho người khác để kiếm. Nhưng, hầu hết người dân địa phương ở đây vẫn còn tâm lý lo ngại về phẩm chất cũng như sợ những nữ trại viên không làm được những công việc nặng nhọc của nhà nông.

Chị Phúc hồi tưởng lại ngày tháng gian khổ ấy mà bồi hồi xúc động: Tụi tôi ra trại không ai dám thuê làm gì hết, chủ yếu vào rừng kiếm củi. Thân gái chân yếu tay mềm mà hằng ngày phải vào rừng phát cật lực mới được gánh củi bán (5.000 đ/gánh) chỉ đủ đổi lấy rau, củ.

Chị em phải mất một thời gian dài tiếp cận dần và làm thử thì họ mới nhận. Từ chỗ làm thuê, qua những cuộc trò chuyện, những lời thăm hỏi, quan tâm lẫn nhau, “làng hoàn lương” không còn bị cô lập, bị mọi người xa lánh và tự ti mặc cảm nữa.

Những vất vả thiếu thốn trong cuộc sống vật chất không là gì so với nỗi niềm tủi nhục, cơ hàn đến cùng cực mà chị em đã phải trải qua.

Nhưng nhờ yêu thương, sự đùm bọc, che chở bảo ban nhau, chị em cảm thấy thanh thản để sống tiếp những năm tháng còn lại của cuộc đời mình.

“Hồi sinh” trên mảnh đất mới

Lúc bị bắt vào trại, đa số các chị em nghĩ rằng: Cuộc đời mình lầm lỡ “làm gái” thì khó có thể tìm được hạnh phúc cũng như không khỏi tiếng xấu của người đời.

Nhưng rồi, sau thời gian học ở trung tâm, họ dần giác ngộ ra nhiều thứ, lại thêm có cơ hội được tiếp xúc với những người đàn ông cùng trại. Trong họ lại dậy lên niềm khát khao có được mái ấm gia đình, có được người mình yêu thương.

Và, cuộc sống như ươm mầm trở lại. Qua những cay đắng, tủi phận của cuộc đời, các “nữ giang hồ” lại tìm được niềm vui, hạnh phúc của chính mình.

Bên cạnh đó, một số người không chồng con như chị Võ Thị Lực - vốn là một trại viên ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06. Mặc cảm về quá khứ, chị không trở về với gia đình mà ở lại nơi đây sống trong sự yêu thương, giúp đỡ của chị em cùng cảnh ngộ.  

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương như các cán bộ phụ nữ thường xuyên gần gũi, động viên chị và trở thành chỗ dựa tinh thần cho chị trên hành trình tái hòa nhập.

Biết chị Lực khát khao mơ ước có một căn nhà nhỏ, Hội Phụ nữ xã đã vận động quyên góp từ cán bộ, hội viên cùng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và tổ chức một đêm văn nghệ “Gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo” với tổng số 20 triệu đồng.

Từ số tiền đó, Hội đã khởi công xây dựng một căn nhà để tặng chị Lực và đặt tên là Mái ấm tình thương.

Ông Hồ Tăng Phúc - Chủ tịch xã Hòa Bắc cho biết: Đợt ra trại đầu tiên có gần 20 trại viên không biết đi đâu nương tựa nên dắt nhau về xóm Bầu Bàng sinh sống làm ăn.

 

Nguyện vọng của trại viên mong muốn lập nghiệp trên vùng đất nơi họ đã được giáo dục thức tỉnh hoàn lương và làm lại cuộc đời nên các cấp chính quyền rất quan tâm tạo điều kiện, đa số các chị em hiện tại đã có nhà cửa đàng hoàng.


Hành trình hoàn lương của các “nữ giang hồ” tưởng chừng như mỹ mãn khi họ đã tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Ấy vậy mà, cuộc đời một lần nữa đã làm tổn thương họ khi những người chồng một thời nghiện ngập lần lượt ra đi. Và bến đò Lộc Mỹ Hạ ngày ngày chị em vẫn tất bật đi về một mình được gọi là “bến không chồng” từ đó.


Theo Tuyết Phan

Vietnamnet