Thừa Thiên Huế tiết kiệm 10 tỷ đồng mỗi năm nếu khoán xe công

(Dân trí) - Ngày 14/3, trao đổi với phóng viên, ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, nếu thực hiện chính sách khoán xe công trên toàn tỉnh, sẽ tiết kiệm được mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng.

Sở Tài chính là cơ quan thường trực của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý, sử dụng xe công. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Huế thực hiện thí điểm khoán xe công cho các chức danh thuộc Ban Giám đốc Sở.

“Tỉnh đang thực hiện theo mục tiêu Chính phủ là sẽ giảm 30-50% số lượng xe công đến năm 2020. Vào đầu tháng 4 tới, Sở sẽ bắt đầu khoán thí điểm xe công đối với các chức danh lãnh đạo Sở” – ông Mẫn trao đổi.

Theo đó, việc khoán tại Sở này được làm theo 2 cách: khoán dùng theo các chức danh đi thường xuyên trong tháng hoặc khoán theo đơn giá tương tự các phương tiện công cộng với mức 13.000 đồng/km.

Hiện tại Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 xe công phục vụ 4 chức vụ lãnh đạo. Sau khi thí điểm, dự tính sẽ chỉ dùng 1 xe, 1 xe còn lại sẽ điều chuyển đi nơi khác hoặc bán đấu giá. Sở sẽ tùy điều kiện cụ thể áp dụng phương án khoán xe công phù hợp sao cho quá trình công tác của lãnh đạo Sở không bị ảnh hưởng. Hiện nội bộ Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế qua lấy ý kiến đã rất đồng thuận, thống nhất với chủ trương khoán xe công.


2 chiếc xe công phục vụ 4 chức danh lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giảm xuống còn 1 xe.

2 chiếc xe công phục vụ 4 chức danh lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giảm xuống còn 1 xe.

“Sở chúng tôi sẽ làm đầu tiên, vừa làm vừa đánh giá với thời gian khoảng chừng 3 tháng. Sau khi làm tốt sẽ nhân rộng ở các ban ngành, địa phương khác. Do việc khoán xe công là vấn đề khá tế nhị, nên công việc này sẽ thành công nếu có sự quyết tâm, đồng thuận của tất cả các ban ngành, các địa phương” – ông Mẫn trao đổi.

Qua rà soát năm 2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 223 xe công, trong đó xe phục vụ theo chức danh là 5 chiếc (đối với Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh). Với việc giảm 30-50% số lượng xe, tương ứng khoảng 100 xe trong tổng số 223 xe công, tỉnh sẽ tiết kiệm được mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng.

Sau khi điều phối xe công từ nơi nhiều sang nơi ít sẽ dư ra một số lượng xe công không dùng, theo ông Mẫn, số xe này sẽ được định giá bán lấy tiền sung công quỹ nhà nước. Hiện tại có một thực tế là các xe công có tuổi đời khá lớn, từ 18 đến 30 năm, nên chi phí sửa chữa nếu xe hư hỏng cũng rất tốn kém. Bởi vậy phương án khoán xe công là rất hợp lý.

Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi với PV về nhiều điểm khoán xe công tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi với PV về nhiều điểm khoán xe công tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thêm, tỉnh đang rà soát hết hệ thống xe công trên địa bàn và nghiên cứu dự thảo chính sách mới của Bộ Tài chính về khoán kinh phí đi xe công. Trên cơ sở giao Sở Tài chính tham mưu cụ thể, tỉnh sẽ áp dụng phương án nào tiết kiệm nhất cho ngân sách nhà nước.

"Không có doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan nhà nước tại Thừa Thiên Huế"

Trước câu hỏi PV Dân trí "Các đơn vị nhà nước ở tỉnh Thừa Thiên Huế có được doanh nghiệp tặng xe?", ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cơ quan thường trực của UBND tỉnh về quản lý, sử dụng xe công, khẳng định: “Không có trường hợp doanh nghiệp nào tặng xe cho đơn vị nhà nước tại Thừa Thiên Huế”.

Đại Dương