1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Thu về trẩy hội Chùa Keo

(Dân trí) - Du khách hành hương đến chùa Keo ngoài việc lễ phật, lễ thánh để cầu xin phước, đức, tài, lộc còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo rất riêng mà hiện nay rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ lại được.

Hằng năm vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch, nhân dân làng Keo xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình lại mở hội Xuân ngay ở ngôi chùa. Hơn 9 tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, chùa Keo lại mở hội Thu.

Người dân ở đây kể lại rằng, xưa Thiền sư Không Lộ, vốn là người ở vùng này, là một vị thánh có nhiều phép biến hóa không biết thế nào mà lường. Lúc sinh thời từng làm nghề đánh cá trên sông Cái (sông Hồng), đến năm 29 tuổi mới đi tu. Tương truyền ngài từng chữa bệnh cho vua Lý nên được phong làm Quốc Sư. Sau đó vua Lý đổi tên chùa thành Thần Quang Tự. Ngày nay chùa vẫn giữ tên Thần Quang Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Keo.

Kiến trúc độc đáo của chùa Keo
Kiến trúc độc đáo của chùa Keo
Kiến trúc độc đáo của chùa Keo

Còn sử sách thì ghi lại rằng, năm 1061 sau khi được triều đình nhà Lý cấp đất, chùa Keo được bảo tồn và mở rộng thành một đại danh lam, được liệt vào hàng đứng đầu cả nước lúc bấy giờ. Năm 1611, một trận hồng thủy đã kéo đổ chùa Keo. Năm 1630, chùa Keo được trùng tu, tái tạo lại trên diện tích 108.000 m2 đất, bao gồm 154 gian với lối kiến trúc độc đáo.

Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun đắp bởi phù sa sông Hồng cùng với nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Nếu có dịp về thăm chùa Keo, du khách hãy đến vào hội mùa thu. Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa…

Hội thu là hội chính của chùa. Hội nhằm tưởng nhớ và suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ - là người giỏi Phật pháp và pháp thuật, đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý và được phong làm quốc sư.
Đến với chùa Keo để được đắm chìm trong không gian u tịch

Đến với chùa Keo để được đắm chìm trong không gian u tịch
Vào ngày hội trên khúc sông Hồng uốn lượn, kèn trống vang trời, hàng chục chiếc thuyền chải với mấy chục tay chèo đua nhau lướt sóng, hàng nghìn người xem đứng kín hai bên bờ đê. Trên khắp những khoảng ruộng mới gặt người ta nô nức với các cuộc tế, rước thuyền, các trò thi bắt ếch, tung lưới, thổi cơm... Gác chuông chùa cao vút nổi bật giữa tám lá cờ đại phần phật bay.

Sáng ngày 14/9, một đám rước khổng lồ diễn ra với hàng nghìn người tham gia với nghi thức rước Thánh lên kinh đô chữa bệnh cho vua và cũng là sự diễn tả lại cuộc đời sông nước của ngài.

Lễ hội chùa Keo cũng có hầu bóng. Nhưng hầu bóng ở đây người ta đem một chiếc thuyền bằng hàng mã ra hầu. Trên có hai người múa hát, hai bên có hai hàng cầm mái chèo mô tả động tác chèo thuyền theo nhịp trống, tiếng đàn. Một vài người khác ngồi xung quanh thuyền giấy cũng nghiêng ngả theo nhịp thuyền chèo và đưa thuyền tiến dần lên.

Du khách hành hương đến chùa Keo ngoài việc lễ phật, lễ thánh để cầu xin phước, đức, tài, lộc còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo rất riêng mà hiện nay rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ lại được. Chùa Keo vẫn giữ nguyên được 17 công trình với 128 gian phân bố trên 2.022m2. Các công trình kiến trúc chính như: tam quan, chùa phật, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp. Điều đáng quan tâm nhất là ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan – một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ 17.

Đến với chùa Keo để được đắm chìm trong không gian u tịch, nghe tiếng chuông chùa buông ngân như quyện hồn ai, rồi lan xa, chìm dần vào vô tận. Người Phật tử như chợt tỉnh cơn mê tục lụy, thoáng như thấy lòng mình bước vào không gian thánh thiện để hướng tới miền trí tuệ, mà sinh lòng thanh tao, quy về cõi bình an. Có lẽ lúc ấy ta mới cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của chùa Keo qua bàn tay kỳ diệu của người xưa.

Hà Anh (tổng hợp)