Thủ tướng: Tư duy cán bộ chưa đủ nhạy bén để hành động vì lợi ích quốc gia

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, trong hội nhập quốc tế, ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở nhưng có lúc tư duy chưa đủ nhạy bén, linh hoạt để theo kịp xu thế này.

Thủ tướng: Tư duy cán bộ chưa đủ nhạy bén để hành động vì lợi ích quốc gia - 1

Thủ tướng thăm triển lãm ảnh đối ngoại bên lề hội nghị trực tuyến

Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế ngày 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả nổi bật trong 5 năm hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế từ 2014 đến nay.

Hội nhập quốc tế đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Giữ vững môi trường chính trị xã hội ổn định. Quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập của Việt Nam đi vào giai đoạn cao hơn, thực chất hơn với vai trò thúc đẩy đối thoại, hòa giải và tìm những hướng đi mới.

Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, không né tránh những khác biệt bộc lộ trong quá trình hội nhập mà luôn chủ động đối thoại và đấu tranh bảo vệ các lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc.

Hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã có 11 FTA đã có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua Hiệp định EVFTA và 4 FTA đang đàm phán.

Nhận thức về hội nhập quốc tế của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn và có những bước tiến vượt bậc.

Từ chỗ là thành viên có trách nhiệm phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta đã tiến đến “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.

Nêu ra những con số nổi bật về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua, Thủ tướng khẳng định, chủ trương hội nhập quốc tế là đúng đắn và “chúng ta thêm tự tin tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn”. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng làm cho “nội lực” quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho hội nhập quốc tế thành công hơn.

Thủ tướng: Tư duy cán bộ chưa đủ nhạy bén để hành động vì lợi ích quốc gia - 2

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở trong quá trình hội nhập

Nhấn mạnh “thắng không kiêu, bại không nản”, Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém, thua thiệt cần rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục và làm tốt hơn. Trong hội nhập quốc tế ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, trong khi có những lúc tư duy của ta chưa đủ nhạy bén, linh hoạt để theo kịp xu thế này.

Trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán.

Bên cạnh đó, hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao, cùng với những hạn chế về trình độ quản lý trở thành những cản trở phát triển, những kẽ hở cho những thua thiệt (các vụ kiện, tranh chấp quốc tế). Việc thông tin cho các DN và người dân về hội nhập quốc tế, các hiệp định FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp.

Cho rằng thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số biểu hiện phản cảm, lệch lạc, đạo đức, văn hóa xuống cấp, một phần do tác động mặt trái của hội nhập mang lại, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, hội nhập nhưng không hòa tan, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Cần đặc biệt lưu ý những yêu cầu mới về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư. Đây là yêu cầu mới, rất cao và rất quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nói.

P.T