Thủ tướng trả lời về mặt trái của chính sách 2 con

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng chất lượng nguồn nhân lực đang giảm vì chính sách “cứng nhắc”, áp quy định chỉ sinh 1-2 con đối với những gia đình đủ tài chính, năng lực để nuôi dạy trẻ nhưng lại “thả” cho người nghèo sinh nhiều con. Thủ tướng đáp lại, Chính phủ đang cho tổng kết, đánh giá để có chính sách phù hợp thời gian tới.

 

Đại biểu Quốc hội cho rằng áp chính sách dân số đã bộc lộ những mặt trái làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Quốc hội cho rằng áp chính sách dân số đã bộc lộ những mặt trái làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực.

Trong văn bản chất vấn gửi tới người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh cho biết, trong nhiệm kỳ này, bà đã từng chất vấn Thủ tướng về “mặt trái” của chính sách dân số theo pháp luật hiện hành, biểu hiện ở chỗ, những người có đủ sức khoẻ trình độ, năng lực hoặc tài chính (gồm cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên…) có thể sinh con, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước thì chỉ được phép sinh từ 1- 2 con.

Còn những người không đủ sức khoẻ và tài chính, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức, điều lệ Đảng, nhất là đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa thì mức sinh thường vượt quá 1- 2 con.

Ngoài ra, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, góp phần làm giảm chất lượng dân số, nguồn nhân lực của đất nước và làm tăng đối tượng nhà nước phải bảo trợ.

Nữ đại biểu dẫn chứng, gần đây Trung Quốc đã nhận thấy “mặt trái” của chính sách một con và đã quyết định thay đổi. “Đến bao giờ chính sách dân số của Việt Nam mới thay đổi để khắc phục tình trạng nêu trên?” - đại biểu Khánh chất vấn.

Tại văn bản trả lời đại biểu Khánh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đại biểu đặt ra là vấn đề chiến lược, quan trọng, liên quan tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Đảng, nhà nước luôn quan tâm vấn đề dân số và đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đã thu được những kết quả tích cực.

Mô hình gia đình ít con đã được chấp nhận ngày càng rộng rãi, mức sinh ở nhiều vùng giảm nhanh, kiềm chế được tốc độ gia tăng dân số và đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2005 (2,1 con/ 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ), sớm hơn 10 năm so với kế hoạch đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc giảm sinh trong thời gian ngắn vừa qua là một thành công, nhưng cũng đặt ra những vấn đề như già hoá dân số diễn ra nhanh hơn và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai.

Theo nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, từ 2007 Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên ngay từ 2011 đã bắt đầu thời kỳ giao thoa dân số và đến 2030 sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Liên hiệp quốc cũng dự báo đến 2050 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già điển hình.

“Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế và các ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, trong đó có vấn đề già hoá dân số, để xác định mục tiêu giải pháp phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, nhất là khi xây dựng Luật Dân số” - Thủ tướng chốt lại nội dung trả lời đại biểu Khánh.

P.Thảo