1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng sẽ có thêm 2 quyền về công tác nhân sự?

(Dân trí) - Sau nhiều tranh cãi, đề xuất bổ sung quyền của Thủ tướng trong việc giao quyền cho Bộ trưởng, tạm giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã nhận đa số ý kiến đồng thuận tại cuộc họp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 15/4.

Đây là 2 trong số 4 quyền bổ sung cho Thủ tướng mà cơ quan soạn thảo (Bộ Nội vụ) đã đưa vào trong dự thảo luật. Những lần thảo luận trước, cơ quan thẩm tra dự án luật (UB Pháp luật của Quốc hội) cũng như các ý kiến đưa ra đều theo hướng “bác” đề xuất này.

Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 37 của UB Thường vụ Quốc hội diễn ra tuần trước, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu quan điểm ủng hộ việc thêm quyền cho Thủ tướng với lập luận, để có thể điều hành, phải có cơ chế để Thủ tướng thực hiện quyền lực của người đứng đầu Chính phủ.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với đề xuất bổ sung 2 quyền cho Thủ tướng là thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh.
Thủ tướng sẽ có thêm 2 quyền về công tác nhân sự?
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải trình, báo cáo thêm về dự thảo luật tại phiên họp các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo luật hôm nay, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng nêu trên là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm hoạt động của Chính phủ có hiệu lực và hiệu quả.

2 đề xuất khác là thêm quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân; quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó Chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn nhận nhiều ý kiến băn khoăn, “can gián”.

Ngoài ra, tại Điều 27 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định thêm 10 khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ như: Lãnh đạo công tác của Chính phủ, lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Thủ tướng là người trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trình Quốc hội cho từ chức đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Thủ tướng có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ...

Góp ý thêm các nội dung này tại phiên họp chiều 15/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, dự thảo luật còn “khuyết” vì chưa nói rõ về trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng trước Quốc hội và đồng bào cả nước. Dự thảo luật, theo Chủ tịch Quốc hội, mới chỉ có 2 khoản nhỏ quy định về trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội và báo cáo trước cử tri của Thủ tướng trong khi nhiệm vụ và quyền hạn giao cho người đứng đầu cơ quan hành pháp đều rất nhiều.

Vậy nên chính Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn, đánh giá hoạt động của một Thủ tướng thì có thể căn cứ theo những khía cạnh gì?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trong cả phần việc giao cho các Phó Thủ tướng phụ trách với lập luận, Phó Thủ tướng có ký, quyết định cũng trên cơ sở uỷ quyền của Thủ tướng, nếu ký sai, Thủ tướng có quyền huỷ, sửa ngay. Vậy nên Thủ tướng cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân trước việc giao quyền cho cấp phó.

Bộ Công an “đòi” 7-8 Thứ trưởng, Bộ Quốc phòng “trả lại”… quota

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc, không phải Bộ có nhiều Tổng Cục thì có quyền có nhiều Thứ trưởng vì mỗi Thứ trưởng phải phụ trách nhiều Tổng Cục, không để có việc Thứ trưởng kiêm luôn chức Tổng cục trưởng một Tổng Cục hoặc Thứ trưởng chỉ phụ trách 1 Tổng Cục duy nhất. Nếu như vậy thì có đến 8-9 Thứ trưởng mỗi Bộ cũng không đủ.

Nói về 2 Bộ đặc thù là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Công an nói cần 7-8 Thứ trưởng nhưng xem lại, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định, chỉ cần 6 cấp phó là được. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nâng chỉ tiêu lên 6 (so với mặt bằng chung 5 Thứ trưởng/Bộ) cho Bộ Quốc phòng để ngang bằng với Bộ Công an. Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại cho biết Bộ này không dùng hết “quota”, chỉ cần 5 Thứ trưởng là đủ vì “đẻ ra thêm một cấp phó là thêm cả một dây nữa trong bộ máy”.

P.Thảo