Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Nepal thăm chính thức Việt Nam

(Dân trí) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal K P Sharma Oli và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9/5 - 13/5.

Việt Nam và Nepal thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/5/1975. Tuy các chuyến thăm và trao đổi cấp cao còn ít, nhưng hợp tác kênh đảng giữa hai nước rất tốt, trao đổi đoàn cấp bộ, địa phương được duy trì.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Nepal đến Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1975. Gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Sharma Oli bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Davos - Thụy Sĩ, tháng 1/2019.

Theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9/5 - 13/5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Nepal thăm chính thức Việt Nam - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Sharma Oli bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Davos - Thụy Sĩ, tháng 1/2019 (ảnh: TTXVN)

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tuy các chuyến thăm và trao đổi cấp cao còn ít, nhưng hợp tác kênh đảng giữa hai nước rất tốt, trao đổi đoàn cấp bộ, địa phương được duy trì.

Năm 2015, Việt Nam viện trợ cho Nepal 50.000 USD để khắc phục hậu quả vụ động đất. Nepal cũng tích cực giúp đỡ ta trong công tác bảo hộ cứu trợ công dân ta.

Hai nước đang thúc đẩy ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ và lập cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao. Hội Hữu nghị Việt Nam - Nepal được thành lập tháng 9/2014. Lãnh sự danh sự Việt Nam tại Kathmandu được lập tháng 10/2016.

Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nê-pan còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2018, kim ngạch hai chiều đạt khoảng 38 triệu USD (năm 2017 đạt 47 triệu USD), trong đó chủ yếu là ta xuất siêu (hạt tiêu và các sản phẩm chất dẻo), nhập khẩu với số lượng rất ít nguyên liệu dệt may, da và giày.

Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước ủng hộ nhau và phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nepal đã ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường (10/2014), ứng cử vào Hội đồng nhân quyền (11/2013), ECOSOC (2016-18) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam ủng hộ Nepal vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2020.

C.N.Q