Thủ tướng nghe ý kiến các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về mục tiêu tăng trưởng cao

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm, cũng có ý kiến là cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn...

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 26/8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII tổ chức Hội nghị xin ý kiến các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì Hội nghị.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy TPHCM… đã dự hội nghị.

Thủ tướng nghe ý kiến các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về mục tiêu tăng trưởng cao - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị xin ý kiến các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ “mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành công việc của Đảng, Nhà nước trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau, những cán bộ lão thành luôn tâm huyết, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, những khó khăn, bức xúc của nhân dân”.

Thủ tướng nhấn mạnh, văn kiện Đại hội Đảng chính là sự kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội nhận thức rõ, đây là trách nhiệm to lớn và rất nặng nề, cần chắt lọc những ý kiến tinh hoa, tinh tuý nhất của các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các cán bộ lão thành nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện.

Khái quát những thay đổi lớn lao, những thành tựu đạt được vừa qua nhưng Thủ tướng cũng không giấu lo ngại khi đề cập đến ý kiến cảnh báo, Việt Nam "chưa giàu đã già", có khoảng cách phát triển về tuyệt đối, sự tụt hậu với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sức sản xuất và năng lực cạnh tranh. Như vậy, có thể nói, cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi cả nước phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Vì vậy, theo Thủ tướng, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng lấy ví dụ, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm.

“Chúng ta đặt ra mục tiêu này để làm gì? Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực thì thấy chỉ có tăng trưởng cao như vậy, Việt Nam mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân” – Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng bày tỏ, bản thân ông và các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đều trăn trở về việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao có khả thi, có thực hiện được không? Nêu kinh nghiệm của các nước xung quanh như Nhật Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ, 10%/năm trong vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như Việt Nam hiện nay, Thủ tướng cho rằng còn nhiều lĩnh vực có dư địa lớn để có thể thực hiện mục tiêu đề ra.

Thủ tướng nhận định: “Nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, ngay cả tăng trưởng khoảng 6%/năm, cũng khó đạt được”.

Lãnh đạo đương nhiệm của Chính phủ cũng mong muốn được nghe ý nhiều hơn về các nguyên nhân chủ quan của các vấn đề tồn tại, hạn chế trong điều hành kinh tế xã hội hiện nay. Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo lão thành góp ý về các quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chiến lược, các đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm và 10 năm tới. 

Thủ tướng thông tin, đến nay, Tiểu ban gồm 51 thành viên đã tổ chức 5 phiên họp toàn thể, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiên cứu 42 chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tổ chức 6 hội nghị nghe ý kiến của các địa phương tại các vùng, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế... để xây dựng các báo cáo. Đến nay, Tiểu ban đã hoàn thành dự thảo văn kiện lần thứ 5.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng văn kiện là không phải làm trong phòng lạnh, mà phải làm từ thực tiễn cuộc sống, từ khát vọng của nhân dân, yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tinh thần là “Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.

P.Thảo