Thủ tướng: “Năng suất lao động tăng chậm hơn nhiều tốc độ tăng GDP”

(Dân trí) - Báo cáo về vấn đề năng suất lao động, Thủ tướng dẫn lời Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân vừa báo cáo với Quốc hội sáng nay: “Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm là 3%, thấp hơn nhiều tốc độ tăng GDP”.

14h45’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu trình bày bản báo cáo giải trình, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giới thiệu, có 6 nội dung cơ bản. Thủ tướng có khoảng 2 giờ để vừa báo cáo, vừa trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.
 
Thủ tướng đang báo cáo giải trình trước Quốc hội
 
 
Mở đầu báo cáo, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, Chính phủ nhận được tổng cộng 129 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có 17 câu hỏi dành trực tiếp cho Thủ tướng.
 
Phần đầu tiên của báo cáo, Thủ tướng khái quát về tình hình phát triển kinh tế xã hội. Các con số đưa ra đều khả quan với những bước tăng trưởng trong từng lĩnh vực.

Có gần 24.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,8%. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đã khởi sắc với vốn điều lệ trung bình 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tuy còn khó khăn, hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội đã đề ra cho năm 2014, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%, không để biến động về giá cả, đảm bảo để người dân đón tết vui tươi, lành mạnh.
 
Phần 2, về vấn đề bảo đảm cơ cấu nợ công, điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015.
Đảng và Quốc hội đã đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội.
 
Vấn đề lo ngại là tỷ lệ ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%. Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách.
 
Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, từ năm 2011 đến nay, nhà nước đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Phương án tăng lương cho năm 2015 cũng được Chính phủ trình với mức điều chỉnh 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). 6,3 triệu người sẽ được hưởng mức tăng lương này từ 1/1/2015.
 
Với quyết định tăng lương này, Thủ tướng nêu rõ, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.

Trước thực trạng này, Thủ tướng cho biết, chủ trương tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
 
Kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này, Thủ tướng khẳng định, vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Thủ tướng cũng giải thích, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm.

Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
 
Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ trình báo cáo về kế hoạch trả nợ và khẳng định đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
 
“Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%)” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thực trạng gây lo lắng, bức xúc trong xã hội là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn…
 
Có 6 giải pháp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra cho bài toán kiểm soát nợ công như quản lý chặt chẽ các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép; chỉ sử dụng nợ vay cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; cơ cấu lại nợ, giảm áp lực trả nợ vay trong ngắn hạn và chi phí vay vốn…
 
Thủ tướng cho biết, nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2014 khoảng 39,9% GDP và dự kiến  đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu.

Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).
 
Thủ tướng chuẩn bị trả lời chất vấn.
Người đứng đầu Chính phủ xác nhận, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn.
 
Nội dung thứ 3 trong báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung vào vấn đề xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Trở lại bối cảnh phát sinh nợ xấu, Thủ tướng cho biết, theo kết quả của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu với mục tiêu cản thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức an toàn trong kinh tế thị trường.
 
Kết quả xử lý nợ xấu, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% trong 465.000 tỷ đồng tổng số nợ xấu. Các giải pháp đưa ra là thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi.

Ngân hàng Nhà nước cũng cơ bản hoàn thành tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Giảm 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng xác nhận, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn.

Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục trình 6 giải pháp để thúc đẩy hơn nữa việc xử lý nợ xấu với mục tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
 
Thủ tướng cho biết thêm việc trực tiếp nhận được phiếu chất vấn của 5 vị đại biểu Quốc hội về nội dung này, thể hiện sự quan tâm, lo lắng của cử tri cả nước.
 
Thủ tướng cũng dành thời gian báo cáo Quốc hội về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Thủ tướng đề cập kết quả về đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế để trong năm nay, đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm.

Theo luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế được Quốc hội thông qua thì từ 1/1/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6).
 
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng một lần nữa xác nhận thực trạng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh: Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, Việt Nam thứ 68.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu mục tiêu phấn đấu đến 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm, số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%. Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm. Thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp sẽ còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn18 ngày.
 
Nội dung thứ 5, về vấn đề nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn báo cáo công bố ngày 19/8 vừa qua của Tổ chức lao động thế giới ILO cho thấy, giai đoạn 2007 – 2013, năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN.

Cụ thể, năm 2007, năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam (9.173 USD/4.322 USD tính theo sức mua tương đương - PPP), đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp còn 1,98 lần (10.812 USD/5.440 USD). Trong đó, so với Singapore giảm từ 21,3 lần xuống còn 18; so với Thái Lan từ 3 lần xuống còn 2,7; so với Philippines từ 2 lần xuống còn 1,8.
 
“Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân cũng vừa báo cáo với Quốc hội sáng nay là tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm là 3%, thấp hơn nhiều tốc độ tăng GDP” - Thủ tướng thông tin thêm, thoát ly văn bản báo cáo.
 
Để nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng, khuyến khích mạnh các ngành kinh tế có công nghệ, giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Thủ tướng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cả cấp thiết trước mắt cũng như cơ bản lâu dài, tập trung vào việc hiện đại hóa công nghệ; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực.
 
Nội dung sau chốt trong bản báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung làm rõ việc thực hiện công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Nêu những hạn chế, khó khăn của công tác giảm nghèo thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ, giải thích, nhà nước chưa lo đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách đã đề ra. Kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, chưa bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tại 64 huyện nghèo tuy đã giảm mạnh nhưng đến năm 2014 vẫn còn khoảng 34% (đầu năm 2014 còn 1 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%, 4 huyện từ 60 - 70% và 9 huyện từ 50 - 60%).
 
“Nhiệm vụ giảm nghèo còn rất khó khăn. Cần nhanh chóng điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Cần chú trọng các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo” – Thủ tướng chốt lại và cho biết, đã nhận được chất vấn của 3 đại biểu về nội dung này.
 
P. Thảo