Thủ tướng: Không để ngư dân ra biển phải chịu lãi suất cao

(Dân trí) - “Xem trên màn hình ra-đa trước đây thấy rất lo vì ngoài khơi rất thưa vắng tàu cá Việt Nam. Tình hình giờ đã tốt hơn nhiều... Chính sách hỗ trợ không được để ngư dân đi đánh bắt trên biển xa mà chịu lãi suất cao”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Tại buổi làm việc của Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sáng nay, 11/3, Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân đang được triển khai. Các chương trình như “Tấm lưới nghĩa tình”, “Nghiệp đoàn nghề cá”… vừa qua đã mang lại hiệu quả.

Việc thí điểm hỗ trợ tàu cá trang bị thiết bị định vị vệ tinh, hiện có 38 tỉnh thành đã có đài thông tin bờ biển, hơn 2.300 tàu cá được lắp máy định vị này. Chính sách hỗ trợ đã được triển khai thời gian qua theo hướng người dân tự ứng tiền ra mua máy định vị lắp đặt trên tàu, khi mang hóa đơn về thì được thanh toán.

Kết quả, theo khái quát của thứ trưởng Vũ Văn Tám, nếu trước đây, Hải quân chỉ nắm bắt được mỗi năm có 4000 lượt tàu cá hoạt động trên 3 vùng biển thì năm 2013 vừa qua, số tàu hoạt động được xác định theo báo cáo của Hải quân đã tăng lên 11.000 lượt tàu.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động VN (ảnh: chinhphu.vn).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động VN (ảnh: chinhphu.vn).

Tới đây, chương trình hiện đại hóa thông tin giai đoạn 2 sẽ hướng tới việc sử dụng thiết bị do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Giai đoạn 1 vừa qua, triển khai lắp đặt máy định vị trên tàu nhưng vẫn phải thuê vệ tinh của Pháp để hoạt động. Nay, Việt Nam đã có vệ tinh Vinasat, ông Tám kỳ vọng, việc định vị, theo dõi hoạt động của tàu cá đánh bắt xa bờ sẽ thuận tiện, có điều điện triển khai rộng rãi hơn.

Thứ trưởng NN&PTNT khẳng định, thời gian tới, 100% tàu cá sẽ được đảm bảo thông tin liên lạc trên biển. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp mới tập trung triển khai hỗ trợ với đối tượng tàu cá đánh bắt xa bờ.

Kiến nghị thêm về các biện pháp khuyến khích nghề cá, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, ngư dân cần một chính sách tín dụng đặc thù. Vừa qua, chương trình hiện đại hóa tàu cá thí điểm ở Quảng Ngãi nhưng vẫn chỉ áp dụng chính sách tín dụng thông thường nên đã hơn một năm triển khai mà việc giải ngân không mấy khả quan. Bộ Nông nghiệp đang kiến nghị sửa quy định để chính sách khả thi hơn nhưng do chương trình thí điểm chưa tổng kết, đánh giá được nên vẫn phải chờ.

Quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hàng ngày có hơn 1 triệu ngư dân Việt Nam làm việc trên biển – đó chính là những công nhân, người lao động thực sự cần chăm lo, khuyến khích. Thủ tướng quán triệt, ưu đãi, hỗ trợ tối đa với lĩnh vực này nhưng phải bằng chính sách cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng Vũ Văn Tám rà soát lại theo đúng tinh thần chỉ đạo để thúc đẩy việc phát triển kinh tế biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia.

“Đất liền của ta chỉ có mấy chục ngàn cây số vuông trong khi ta có một vùng biển rộng lớn, cả triệu cây số vuông. Xem trên màn hình ra đa trước đây thấy rất lo vì nhìn khắp khu vực nhà giàn DK1, tàu cá của Việt Nam rất thưa vắng. Tình hình giờ đã tốt hơn rất nhiều.Vậy nên việc hỗ trợ ngư dân ra biển phải nhắm tới chính sách giúp người dân đóng tàu lớn, tàu bằng sắt, công suất lớn thay cho tàu gỗ nhỏ thì ngư dân mới có thể đi xa được” – Thủ tướng nhắc nhở.

Nhắc đến mô hình tàu đánh bắt xa bờ do Vinashin đóng mới đây, công suất 600 mã lực, vỏ sắt, đạt hiệu quả hoạt động cao, Thủ tướng lưu ý, thăm dò ý kiến, nếu ngư dân thấy phù hợp, đồng tình thì cần triển khai làm thật mạnh.

Về vốn cho chương trình hỗ trợ ngư dân, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu ngân hàng không được để ngư dân đi đánh bắt trên biển xa mà chịu lãi suất lớn vì mỗi chuyến đi biển kéo dài hàng tháng, chi phí đầu tư lớn, từ tiền xăng dầu, thiết bị đông lạnh… mà phải vay nặng lãi thì không hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo tính hướng nào hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả những người lao động đi biển. “Tai nạn trên biển thì xảy ra không lường trước được nên bảo hiểm tính mạng, thương tật rất quan trọng mà việc này chúng ta hoàn toàn làm được. Đã làm chính sách phải làm một cách sát sạt như thế” – Thủ tướng nói.

Vấn đề hỗ trợ trang bị thiết bị định vị cho tàu cá, liên hệ với vụ máy bay Malaysia mất tích đang rất thời sự hiện nay, Thủ tướng ghi nhận, giờ trên tất cả các tàu đều có thể nghe đài phát thanh quốc gia, gọi điện thoại về bờ được thuận lợi thì đến lúc việc định vị tàu là yêu cầu thiết yếu đặt ra để người trong bờ biết tàu đang ở tọa độ nào, để việc tiếp ứng, cứu hộ khi cần là thực hiện được ngay.
 

Báo cáo thêm về việc giải quyết chế độ cho các thuyền viên, người lao động trên các tàu của Vinashin gặp khó khăn, phải lên tiếng kêu cứu thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, năm 2013, Bộ đã xử lý xong mọi trường hợp tàu thuyền bị “kẹt” ở nước ngoài, đưa toàn bộ các thuyền viên, thủy thủ về nước.

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin, nay là TCty Tàu thủy Việt Nam hiện đang giải quyết chế độ cho các lao động này theo hướng tái cơ cấu nhân lực gắn với từng bước cổ phần hóa doanh nghiệp. Có một vấn đề là hầu hết các lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đều đã đạt gần 30 năm công tác, không muốn nhận chế độ “một cục” mà mong được đóng bảo hiểm để giải quyết chế độ hưu, được cấp sổ hưu để đảm bảo cuộc sống về sau.

P.Thảo