Thủ tướng: Doanh nghiệp khốn khổ vì phải mang cả bao tải tiền đi nộp thuế

(Dân trí) - Nhắc đến nỗi khổ của doanh nghiệp khi thực tế chỉ riêng việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng phải mang bao tải tiền đi nộp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hài lòng vì tình trạng nhiều lãnh đạo chưa quan tâm việc tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Không khai thác thêm dầu để tăng GDP

Ngày 29/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Phiên họp tháng 6 được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 6 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trình bày báo cáo tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết 6 tháng đầu năm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước, so với tháng 12-2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 1%, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,86%. Còn so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 2,01%, bình quân 6 tháng tăng 2,24%.

Đặc biệt tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý I và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 5,92%; 2012: 4,93%; 2013: 4,9%; 2014: 5,22%). Tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao.

Song “tư lệnh” ngành KH-ĐT cho biết sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm đạt 8,38 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP. Kế hoạch đặt ra với hoạt động khai thác dầu thô cả năm 2015 là 14,74 triệu tấn, thấp hơn năm 201. Theo đó “quota” sản lượng 6 tháng cuối năm chỉ còn để đạt được GDP trên 6,2%. Vì thế, Bộ Tài chính có đề xuất nâng sản lượng dầu thô năm 2015 lên cao hơn năm 2014.

Nêu quan điểm chỉ đạo về việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ phải thảo luận với tinh thần quyết tâm trước đất nước, nhân dân để điều hành kinh tế tăng trưởng cao hơn nữa, để đạt mục tiêu GDP cả năm tăng 6,2% chứ không thể nói là tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô để “bù” tăng trưởng. Thủ tướng quán triệt, đầu năm đã chốt “quota” 14 triệu tấn dầu, không thể dễ dàng nói khai thác thêm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung điều hành, tháo gỡ ở những điểm còn hạn chế, yếu kém, có giải pháp khắc phục cụ thể để đem lại tăng trưởng có chất lượng.

Thủ tướng điều hành phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 (ảnh: Chinhphu.vn).
Thủ tướng điều hành phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 (ảnh: Chinhphu.vn).

Doanh nghiệp mang cả bao tải tiền đi nộp thuế

Một vấn đề lo ngại khác là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm trước, giảm 11,3%. Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, trước tình hình lĩnh vực du lịch tiếp tục khó khăn cần có những giải pháp mạnh mẽ, trong đó có vấn đề miễn thị thực thêm cho nhiều nước khác.

Bộ trưởng Vinh đề xuất, không chỉ cải thiện vấn đề visa cho khách du lịch mà cả visa cho nhà đầu tư nước ngoài. “Không thể để mãi cảnh nhà đầu tư hàng triệu USD mà cứ vài ba tháng phải đi xin lại visa một lần, rất phiền hà và làm nản lòng các nhà đầu tư”- ông Vinh nhìn nhận.

Bàn sâu vào việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19 ban hành đầu năm 2015, Thủ tướng không hài lòng với tình trạng “nhiều lãnh đạo tỉnh đến giờ vẫn không biết Nghị quyết 19 là gì”.

Với xác nhận của Bộ trưởng KH-ĐT về việc nhiều lãnh đạo địa phương quả thật không nắm được nội dung Nghị quyết, Thủ tướng phê bình: “Nghị quyết ban hành hơn 3 tháng cũng chỉ một số Bộ, ngành có có chương trình cải cách mà doanh nghiệp thì đang gặp khó khăn, tốn kém tiền bạc trong thủ tục, hoạt động kinh doanh, cần phải tháo gỡ sớm. Lĩnh vực thuế mà 90% nộp qua mạng thay vì mang bao tải tiền đi nộp thì đỡ cho doanh nghiệp biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc”.

Thủ tướng kiên quyết yêu cầu đưa công nghệ thông tin vào thay cho công văn, hội họp, đóng thuế, BHXH, giao thông, khám chữa bệnh… “Nghị quyết 19 chính là cải cách thủ tục hành chính, vì thế cần nhiều giải pháp mà trước hết là rà soát loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đưa CNTT vào và nâng cao trách nhiệm bộ máy, cán bộ công chức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có bao gồm đột phá về thế chế chế, thủ tục; cán bộ công chức; tổ chức bộ máy”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng trình bày báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2015. Về cải cách thể chế, các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành gần 60 nghị định, trong đó có nhiều nghị định quy định về các nội dung cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC)…

Bộ Nội vụ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới phương thức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đến nay đã có 13 Bộ, ngành và 34 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xác định danh mục vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Đã có 88 ngạch công chức chuyên ngành thuộc 17 ngành, lĩnh vực được Bộ Nội vụ ban hành và sử dụng trong công tác quản lý công chức.

P.Thảo