Thủ tướng có vai trò “định hướng” hay lãnh đạo Chính phủ?

(Dân trí) - Câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu ra khi bản dự thảo Hiến pháp đổi cụm từ Thủ tướng “lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ” thành “định hướng, điều hành…”. Tiếp thu ý kiến này, Ban biên tập dự thảo đã dùng trở lại từ “lãnh đạo”...

Sáng nay 5/11, trước phần thảo luận, Quốc hội dành thời gian nghe Chủ nhiệm UB Pháp luật, Ủy viên UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ.

Phan Trung Lý trình bày cho thấy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng có vai trò “định hướng” hay lãnh đạo Chính phủ?
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Các đại biểu đã cơ bản tán thành, đánh giá dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng" (ảnh: Việt Hưng).

Theo đó, các chương I - chế độ chính trị, chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các ý kiến đều cơ bản tán thành. Chương được đánh giá có nhiều nội dung mới, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được thể hiện chặt chẽ, đầy đủ, khái quát hơn và bảo đảm tính khả thi.

Về nguyên tắc suy đoán vô tội (khoản 1 Điều 31), UB dự thảo Hiến pháp tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể hiện lại khoản 1 Điều 31 theo hướng quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Chương VII - Chính phủ, ông Lý cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị xem xét lại khoản 1 Điều 98 trong dự thảo về vai trò định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đại biểu đề nghị thay từ “định hướng” trong quy định Thủ tướng “định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ” bằng từ “lãnh đạo”.

Ông Lý giải thích, Hiến pháp hiện hành cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đều trên tinh thần phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể Chính phủ đồng thời, đề cao và xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp thu ý kiến này của đại biểu, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thống nhất chỉnh lại, giữ quy định Thủ tướng “lãnh đạo” hoạt động của Chính phủ như Hiến pháp hiện hành.

Các quy định về đất đai, trước hết, về chế độ sở hữu (Điều 53), ông Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định về sở hữu đất đai như dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai.

“Vấn đề này, ủy ban đã nhiều lần báo cáo giải trình với QH và đều thấy rằng, sở hữu toàn dân về đất đai là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về sở hữu đất đai như trong dự thảo” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế- xã hội.

UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường. Vì vậy, Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại Điều 54 của dự thảo.

Về trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định cụ thể việc trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt vì mục đích quốc phòng, an ninh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai. Ủy ban tiếp thu và đề nghị QH cho bổ sung vấn đề này vào khoản 4 Điều 54 như sau: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai do luật định”.

Nội dung quy định về các thành phần kinh tế, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận tại tổ, đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong dự thảo, nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”.

Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể.

Theo UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Hơn nữa “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. 

Về ý kiến đề nghị bổ sung các thành phần kinh tế cụ thể khác trong Hiến pháp, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, nếu liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế sẽ không bảo đảm tính khái quát của Hiến pháp. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như dự thảo.

P.Thảo