Thủ tục hành chính không rõ ràng làm nảy sinh “công nghệ bôi trơn”

(Dân trí) - Đó là lo ngại của ông Vũ Đức Long, nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 vừa diễn ra.

Theo ông Vũ Đức Long, kiểm soát thủ tục hành chính là công việc khó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sự quan tâm sát sao, chỉ đạo rõ ràng, cụ thể và quyết liệt của người đứng đầu; cán bộ thực hiện phải có sự am hiểu, chuyên môn sâu. Cả nước hiện chỉ có khoảng 300 cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, theo ông Long, là rất nhỏ và chưa thể đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Ông Long khẳng định, nếu thủ tục hành chính không rõ ràng, thời gian thực hiện bị kéo dài sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó có vấn đề “bôi trơn”. 

Thủ tục hành chính không rõ ràng làm nảy sinh “công nghệ bôi trơn”
Thủ tục hành chính không rõ ràng, thời gian thực hiện bị kéo dài sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó có vấn đề “bôi trơn” (Ảnh minh họa).

“Nếu “công nghệ bôi trơn” trở nên hiện đại thì sẽ xóa sổ thủ tục hành chính, xóa sổ công cuộc cải cách thủ tục hành chính của chúng ta”- ông Long bày tỏ quan ngại.

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, so với năm 2013 thì năm 2014 các lĩnh vực hoạt động của cục đã có những bước chuyển biến tích cực, phát huy được vai trò quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và góp phần thúc đẩy công tác này tại Bộ Tư pháp.

Số liệu thống kê về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn cả nước cho thấy, đến hết năm 2014, các bộ ngành đã hoàn thành thực thi thêm 358 thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa đã được Chính phủ phê duyệt, đưa tổng số thủ tục hành chính đã hoàn thành thực thi lên đến 4.383/4.728 thủ tục (đạt 92,8%). Các bộ ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 2.076 thủ tục hành chính quy định tại 474 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung và cắt giảm 1.284 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền, xem xét, sửa đổi, cắt giảm 941 thủ tục.   

Riêng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham gia ý kiến đối với 981 thủ tục hành chính quy định tại 113 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị bỏ 108 thủ tục và sửa đổi 380 thủ tục không cần thiết, không hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng việc ban hành thủ tục hành chính còn tùy tiện, chưa thực hiện đúng quy định của Nghị định 63/2010 của Chính phủ. Việc đánh giá tác động thủ tục hành chính chưa thực sự nghiêm túc, trong khi việc công bố thủ tục hành chính còn chưa kịp thời, chưa niêm yết công khai... Ông Tụng yêu cầu Cục Kiểm soát thủ tục hành chính phải thẳng thắn nhìn nhận, đối diện với các khó khăn, thách thức, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2015.

Thế Kha