1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Có phí, thủ tục hành chính “chạy” nhanh hơn!

(Dân trí) - “Có phí việc giải quyết thủ tục hành chính thật sự nhanh hơn. Nhưng việc đó trái với quy định vì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải giải quyết thủ tục hành chính giúp dân”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Ngày 2/1/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành đã bàn về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng. Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống văn bản hay thay đổi, chồng chéo, trong khi đó Bộ nào cũng muốn “ôm” việc nên tạo ra một rừng thủ tục làm khó nhân dân, doanh nghiệp.

Quá nhiều “mũ” chụp lên đầu doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết, ngân sách nhà nước rất khó khăn, do vậy nếu không xã hội hóa thì nhiều dự án không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ông Sửu cũng phản ánh, hệ thống thủ thục hành chính còn rất nhiều bất cập, chồng chéo đang làm khó doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành tại cuộc họp (Ảnh: Chinhphu)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành tại cuộc họp (Ảnh: Chinhphu)

“Thực tế hiện nay trên "mũ" của doanh nghiệp còn quá nhiều luật. Nếu tránh được những chồng chéo, bớt thủ tục hành chính đi cho nhà đầu tư thì đỡ bị phản ánh”, ông Sửu phân tích.

Bà Ung Thị Xuân Hương - Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh - cũng nêu hàng loạt khó khăn mà người dân và doanh nghiệp gặp phải, đó là hệ thống văn bản thường xuyên đổi mới, thậm chí chồng chéo. Trong khi đó nhiều Bộ cũng thiếu trách nhiệm với công việc của dân. Theo bà Hương, có những dự án, công trình, thành phố không cấp phép được chỉ vì khi xin ý kiến cấp Bộ thì bị “ngâm” đến 5 tháng không trả lời.

Về vấn đề này, ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nêu quan điểm, những thủ tục đầu tư đang gây khó khăn, phiền hà cho nhà đầu tư và là những nút thắt cần phải giải quyết. Điển hình nhất là từ lúc khởi động dự án đến lúc xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải “lọt” qua được hàng loạt luật và nhiều thủ tục hành chính khác, nhưng nhiều người không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.

Bộ nào cũng muốn “ôm” việc

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - thẳng thắn nói: “Có phí việc giải quyết thủ tục hành chính thật sự nhanh hơn. Thế nhưng việc đó lại trái với quy định vì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải giải quyết thủ tục hành chính giúp dân”.

Đề cập những vấn đề chồng chéo, bất cập mà các địa phương nêu, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, thực tế các Bộ vẫn “giành” việc của nhau, dẫn đến vấn đề cải cách hành chính đã nói nhiều và làm cũng nhiều nhưng tồn tại, bất hợp lý thì vẫn còn. Theo ông Trường, để làm được việc này, Chính phủ phải trực tiếp là đơn vị rà soát vì giao cho Bộ nào làm là nghiêng về Bộ đó.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, cải cách thủ tục hành chính mới làm ở lĩnh vực riêng lẻ, chưa bao quát tổng thể, do vậy những cái làm được chưa nhiều. Trong khi đó các Bộ cũng chưa “hiểu” hết nhau nên còn nhiều ý kiến khách nhau trong vấn đề này.

Chốt lại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục ở mọi cấp, ngành. Trong đó đặc biệt là phải phân cấp và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như lựa chọn cán bộ giỏi chuyên môn, tận tụy với dân. Với các địa phương cần thành lập tổ công tác để giải quyết thủ tục nhanh nhất. Sở nào có nhiều nhiệm vụ trong hệ thống về đầu tư kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm đầu mối một cửa, liên thông.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu trực tiếp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ liên quan rà soát lại các quy định liên quan đến đầu tư, đề xuất cụ thể hóa quyền lợi, trách nhiệm người dân trong vấn đề đầu tư và xây dựng thống nhất quy trình đầu tư áp dụng trong cả nước.

Quang Phong