Thu phí xe máy: Phải tính đến hiệu quả và sức chịu đựng của dân

(Dân trí) - “Thông tư Bộ trưởng Thăng viện dẫn quy định mức phí tối đa, không đề cập mức tối thiểu không có nghĩa phải hiểu tối thiểu là có thể thu 0 đồng. Nói đến “mức thu”, rõ ràng ai cũng hiểu phải thu theo mức nào đó trong khung”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Hôm qua (ngày 18/6), trong cuộc “đối chất” với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bà đề cập đến khung hướng dẫn của Bộ Tài chính, xe trên 100 cm3 tới 170 cm3 có định rõ mức thu tối đa cũng như tối thiểu là 100.000 đồng/xe/năm. Ngay sau đó, Bộ trưởng Thăng nói đó là quy định cũ. Hiện tại đã có quy định mới là chỉ có quy định mức tối đa, không có tối thiểu. Xe 175cc thu từ 0 – 100.000, trên 100cc từ 0 – 150.000 đồng. Vậy hôm nay, bà đã được nhận được văn bản mới từ Bộ trưởng chưa?

Đó không phải văn bản mới mà là chỉ thị. Cái đó là Thông tư 133 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Cái đó là văn bản mà HĐND các địa phương và HĐND TPHCM áp dụng để quyết định mức thu.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy

Văn bản đó là văn bản mới nhất mà HĐND TPHCM có. Trong đó chỉ quy định mức trần chứ không có mức tối thiểu. Với mức trần được quy định cho mỗi loại xe như vậy thì mình không được thu vượt. Còn nếu thu dưới mức trần đó thì HĐND TP HCM được phép quyết định và chúng tôi đã quyết định dưới mức trần đó cho một số loại xe.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng phân tích rõ Thông tư 133 ban hành tháng 11/2014 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, quy định mức thu tối đa, không quy định mức thu tối thiểu. Là Chủ tịch HĐND của TPHCM, bà có nghĩ tới việc không quy định mức tối thiểu nghĩa là các tỉnh, thành phố quyết định có thu hoặc không thu loại phí này, tương ứng với mức thu bằng 0 đồng?

Thông tư mà Bộ trưởng Thăng viện dẫn quy định mức phí tối đa, không đề cập mức tối thiểu không có nghĩa phải hiểu tối thiểu là có thể thu 0 đồng. Nói đến “mức thu”, rõ ràng ai cũng hiểu phải thu theo mức nào đó trong khung và việc này thì do thẩm quyền của HĐND quyết định.

Việc thu phí trên đầu xe mô tô như vậy là để bổ sung vào quỹ bảo trì đường bộ, điều này tạo điều kiện cho địa phương có nguồn ngân sách, chủ động sửa chữa những tuyến đường xuống cấp?

Vì vậy mà 63 tỉnh, thành đã tổ chức thu phí. Khi bàn về Luật phí và lệ phí, Chính phủ có trình về danh mục phí là phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Tuy nhiên, trong thực tiễn rất khó thực hiện và nó là nguồn thu không lớn. Ví dụ như ở TPHCM, địa bàn lớn thế, đông dân như thế, nhiều xe thế nhưng nếu thu chỉ khoảng 100 tỷ đồng nếu thu đủ. Trong khi đó bộ máy phục vụ thu phí mô tô lại cực kỳ phức tạp.

Người dân đặt vấn đề với bộ máy thu như vậy thì mình có quản lý được không, tính minh bạch và công khai trong quản lý nguồn này thế nào. Chi phí quá cao cho quản lý thu thì khoản còn lại do người dân nộp để sử dụng đúng mục đích của nó thì còn lại không đáng bao nhiêu.

Từ những vấn đề đó tôi mới đặt ra vấn đề mình có nên thu khoản phí đó hay không. Mình phải nói trong bối cảnh đang bàn về luật phí và lệ phí chứ không phải đặt ngược vấn đề là thu rồi thì tính làm sao.

Tôi hoàn toàn không đặt vấn đề xem xét lại chuyện đó. Như tôi nói với Bộ trưởng Thăng là khi đặt ra khoản phí đó thì nghĩ đến hiệu quả, tính đến việc chia sẻ của người dân khi kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, thấy tính bất hợp lý, tính hiệu quả của việc đang làm không cao thì đề nghị Quốc hội nên xem xét.

Vì vậy, tôi đặt ra vấn đề nên bỏ quy định đó trong Luật phí và lệ phí. Tôi nghĩ bàn theo hướng đó là tích cực, đảm bảo mình thực hiện Luật phí và lệ phí theo mục tiêu đề ra.

TPHCM có rất nhiều nguồn thu ngân sách khác nhau, còn đối với một số tỉnh khó khăn thì họ lại kỳ vọng vào nguồn thu đó để có ngân sách tu bổ các tuyến đường xuống cấp, thưa bà?

Nguồn thu ở đâu cũng cần. Với TP.HCM có nguồn thu cao nhưng không phải chỉ thu cho thành phố mà phải có trách nhiệm với ngân sách của Nhà nước. Việc tôi đưa ra, không phải thấy có tiền thì không cần thu nữa. Ở đây là tôi đang bàn về chính sách để xây dựng Luật phí, lệ phí đi được vào cuộc sống. Ngoài ra, phải tính đến mức chịu đựng của người dân, tính hiệu quả, hợp lý của chính sách đó. Từ đó tính toán có nên hay không nên thu mức phí đó. Không nên đặt vấn đề của địa phương này hay địa phương kia cần thu hay không thu.

Tôi có kiến nghị là cần quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy theo điều kiện, thời điểm thì được quyền quy định một số khoản phí, lệ phí cho phù hợp. Còn những gì áp dụng chung cho cả nước, cần tính toán thật kỹ lưỡng, cần quy định ngay trong luật này. Mỗi địa phương muốn quyết định thu khoản phí hoặc lệ phí của địa phương mình. Do vậy, phải lắng nghe người dân, lắng nghe các cơ quan, đơn vị trên địa phương. Nếu quyết định không phù hợp thì đã có Mặt trận giám sát, người dân giám sát, đoàn thể giám sát.

Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội còn có quyền phủ quyết quy định của HĐND nếu không đúng với pháp luật, không hợp lòng dân. Khi đó sẽ nâng trách nhiệm của HĐND các địa phương lên chứ không có chuyện HĐND sẽ thao túng.

Xin cảm ơn bà!

Quang Phong