Thu hồi đất làm sân bay Long Thành: Khó khăn phát sinh từ năng lực cán bộ?

(Dân trí) - Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành gặp nhiều khó khăn. 23.000 tỷ đồng đã được thu xếp mà giải ngân mới được 15%... Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai chia sẻ, tỉnh đã có kế hoạch để ngăn ngừa sai sót khi cán bộ yếu, kém làm phát sinh tiêu cực trong hoạt động này…

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống trao đổi về kiến nghị bổ sung 136 ha để làm 2 tuyến đường kết nối tới sân bay.

Ông Thống cho biết, 136ha này chủ yếu là đất nông nghiệp nên tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị áp dụng khung chính sách bồi thường như đối với 5.000 ha được phê duyệt ban đầu. Qua thống kê, ông Thống thông tin, có khoảng 280 hộ dân bị ảnh hưởng khi tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng diện tích đất này.

“Việc áp dụng một mức bồi thường chung cho toàn bộ diện tích đất trong vùng dự án này sẽ khiến người dân không có cảm giác bị phân biệt, nếu có thu hồi đất thì không có khiếu nại” – ông Thống nêu quan điểm.

Thu hồi đất làm sân bay Long Thành: Khó khăn phát sinh từ năng lực cán bộ? - 1
Ông Bùi Xuân Thống hiện là Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Quay phim việc thu hồi đất để chống tiêu cực

- Trước đó, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh việc giải phóng mặt bằng cho dự án đang gặp một số khó khăn. Tại Đồng Nai -  địa phương được giao thực hiện dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng những khó khăn thực tế thể hiện thế nào, thưa ông?

- Dự án giải phóng mặt bằng mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 12-2018, nghĩa là việc giải phóng mặt bằng phải đến đầu năm 2019 mới bắt đầu được tiến hành. Điều này khiến dự án được triển khai chậm hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2017 – 2021.

Cái khó khác là khu đất đã được quy hoạch từ rất lâu, trong thời gian này do nhu cầu cuộc sống, người dân vẫn có những chuyển đổi, dù địa phương không cho phép chuyển đổi để đảm bảo quy hoạch.

Nhưng nhu cầu thì vẫn có nên dẫn đến việc sang nhượng giấy tay nhiều thửa đất, khiến địa phương gặp khó khi xác định đúng chủ sở hữu đất để ban hành thông báo thu hồi.

Vấn đề nữa mang tính kỹ thuật là trong quá trình kiểm đếm, đo đạc lại phát hiện ra diện tích có thay đổi so với hiện trạng ban đầu, do đó cần thời gian xác định lại đúng diện tích để hạn chế tranh chấp xảy ra sau này.

Xác định khó khăn như thế, tỉnh Đồng Nai đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, tăng cường điều động thêm 51 cán bộ từ các sở ngành có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên môn giúp huyện Long Thành thực hiện công việc kiểm đếm đo đạc, xác định chủ sở hữu đất.

- Quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn trong kiểm đếm diện tích đất có nguyên nhân từ “năng lực cán bộ”. Cần hiểu nhận định này như thế nào, theo ông?

- Theo tôi, cán bộ yếu mà không công tâm trách nhiệm, không đi thực địa sát với tình hình thì sẽ phát sinh sai sót trong quá trình kiểm đếm.

Tôi lấy ví dụ có thể có khu vực đất có giấy chứng nhận sử dụng đất nhưng bị chồng lấn hoặc do quá trình điều chỉnh diện tích giữa các chủ sở hữu có khác nhau mà cán bộ sơ suất, không thể hiện hết trách nhiệm của mình, không tận tuỵ thì chắc chắn sẽ xảy ra sai sót, trên cơ sở đó sẽ phát sinh tiêu cực.

Chính vì để ngăn ngừa các sai sót này, ngoài việc điều động cán bộ, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tập huấn và tổ chức họp giao ban thường xuyên để năm tình hình của các tổ đo đạc, kiểm đếm đảm bảo chính xác, đúng tiến độ, đồng thời kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh các phát sinh diễn ra trong quá trình kiểm đếm.

- Có sai sót từ chủ quan của cán bộ tham gia kiểm đếm, như có người lo ngại là do quan hệ cá nhân này khác mà kiểm đếm sai, kiểm đếm thiếu hoặc thừa?

- Việc này không thể nói trước được vì trong quá trình thực hiện còn phụ thuộc vào thái độ trách nhiệm của từng cán bộ. Nhưng tôi nghĩ rằng khả năng đó sẽ rất khó bởi tỉnh có chỉ đạo rất rõ, trong quá trình kiểm đếm phải quay phim, chụp hình toàn bộ quá trình.

Đây vừa là cơ sở xác định trách nhiệm của cán bộ, vừa là cơ sở để xác định được giá trị bồi thường người dân cho sát thực tế.

Cam kết giao đất đúng tiến độ

- Nhìn vào con số giải ngân vốn cho giải phóng mặt bằng mới đạt 15,4% so với kế hoạch, tỉnh Đồng Nai có tự tin sẽ hoàn thành giao đất trong năm 2020?

- Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thu hồi 1.160ha thì hiện nay đã được điều chỉnh lên hơn 1.810. Nhưng trong giai đoạn 1 thì đất cao su là phần lớn, còn lại hơn 500ha là của dân. Hiện nay qua khảo sát chúng tôi thấy đã tương đối đảm bảo.

Tuy nhiên, việc giải ngân chậm cũng có một nguyên nhân khác. Đó là căn cứ theo tờ trình của tỉnh và căn cứ theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, thì trong năm đầu tiên thực hiện dự án (năm 2019, vì Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2018 – PV) thì chỉ có một phần ít kinh phí phục vụ cho việc thẩm định hồ sơ và một số chi phí khác.

Còn tờ trình của UBND tỉnh cũng đã phân kỳ đầu tư, theo đó trong năm đầu tiên chỉ giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng. Như vậy dự kiến trong năm 2019, theo phân kỳ vốn đầu tư là vào khoảng 1.700 tỷ đồng thì việc này không chậm.

Nhưng do đầu tháng 12/2018 đã bố trí 4.500 tỷ đồng cho dự án này nên Đồng Nai không thể nào giải ngân được vì Thủ tướng chưa phê duyệt. Cuối năm 2018 lại phân bổ tiếp 6.900 tỷ đồng cho dự án trong năm 2019.

Như thế, tổng 2 nguồn vốn này là hơn 11.000 tỷ, cao hơn nhu cầu thực hiện dự án ở giai đoạn đầu nên dẫn đến tốc độ giải ngân bị chậm. Sang năm 2020 thì sẽ đáp ứng được vì năm này hầu như đều tập trung cho chi trả bồi thường trong thu hồi đất.

Nguyên nhân chậm như thế cũng là nguyên nhân khách quan, nhưng Đồng Nai cũng sẽ hoàn thành việc chi trả này xong trước năm 2021 đúng như tiến độ của dự án.

Phần diện tích đất của giai đoạn 2 hiện tỉnh cũng đã kiểm đếm, đo đạc để đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng với 1810 ha đất.

-Xin cảm ơn ông!

Thái Anh