Thu hẹp tối đa dự án kinh tế xã hội được thu hồi đất

(Dân trí) - Không thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi đất”, không bác bỏ việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội nhưng thu hồi cho các dự án này theo hướng thu hẹp, chỉ áp dụng với các dự án được quyết định bởi Quốc hội, Thủ tướng, HĐND tỉnh…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)
 
Đây là những điểm mới nhất được chỉnh lý, tiếp thu trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến hôm nay, 17/6. Một nội dung quan trọng trong dự thảo mới nhất là về việc thu hồi đất.

 

Trước hết, với đề nghị không sử dụng khái niệm thu hồi mà dùng từ “trưng mua”, UB Thường vụ Quốc hội không tán thành. Ý kiến này cho rằng, quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
 

Cơ quan giải trình lập luận, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Thu hồi đất là một trong những biểu hiện của quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước đối với đất đai, cùng với các quyền khác như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định giá đất, trao quyền sử dụng đất…

 

Khái niệm trưng mua, trưng dụng tài sản, theo UB Thường vụ Quốc hội cũng chỉ áp dụng trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

 

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất” – báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý nêu rõ.

 

Đối với nội dung đề xuất không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, UB Thường vụ Quốc hội “bật” lại, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

 

Theo đó, các dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ vẫn được thu hồi đất nếu thuộc nhóm liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được HĐND cấp tỉnh thông qua; các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ TN-MT, UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của Luật khoáng sản.

 

Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.

 

Cơ quan giải trình tiếp thu ý kiến đề xuất không quy định nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vì nếu cần, các dự án này cũng được xếp nằm trong nhóm các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế xã hội.

 

Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo hướng không mở rộng hơn luật hiện hành. Cụ thể, chỉ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng Nhà nước mới thu hồi đất. Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì lồng ghép trong mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

 

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, quy định về các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án dạng này. Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất trong các trường hợp được quyết định bởi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn có tính xã hội, có lợi ích quốc gia, công cộng.

 

Đối với lo ngại cho phép HĐND tỉnh quyết định các dự án phát triển kinh tế, xã hội để làm căn cứ thu hồi đất là quá rộng, có nguy cơ làm thay đổi cơ bản quy hoạch sử dụng đất, UB Thường vụ Quốc giải thích, quy định này đã ràng buộc điều kiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc nhóm do cấp tỉnh thông qua đã thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

 

Còn quy định “các dự án khác” đặt ra trong dự thảo Luật là do không thể liệt kê hết các công trình, dự án phát sinh trong quá trình thực hiện (ví dụ, dự án xây dựng công trình sự nghiệp về y tế, giáo dục, thể thao, du lịch có nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước…). Do đó, cần quy định “ướm trước” để bảo đảm sự linh hoạt trong việc thực hiện, phù hợp với yêu cầu của thực tế.

 

Với ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể nhằm đảm bảo sự tham gia của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan giải trình cũng ghi nhận, tiếp thu. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định trong trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội có sự tham gia của người dân trong việc thông báo kế hoạch thu hồi đất, lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 2, khoản 3 Điều 70).

 

Cuối cùng, UB Thường vụ Quốc hội trấn an những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nguồn vốn khi quy định nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm để tạo quỹ đất "sạch" và đưa ra đấu giá, đấu thầu. Theo đó, để “lo” việc này, luật đã thiết kế điều luật quy định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất có nguồn tài chính được huy động từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, BT, BOT, PPP... để tạo nguồn tài chính dùng cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

 

P.Thảo