“Thư giãn đèn mờ” trên đất mỏ!

(Dân trí) - Đoạn đường chỉ dài chừng 1km từ chân cầu Hoàng Thạch đến ngã tư thị trấn Mạo Khê (Đông Triều - Quảng Ninh) vốn được mệnh danh là khu trí thức, nay đang bị “rối loạn” vì hàng chục quán cà phê “đèn mờ” hoạt động tấp nập.

“Khu đèn mờ” hay “khu trí thức”?

 

Một tối dịp cuối năm 2012, chúng tôi có mặt ở nơi được cho là “nóng” nhất thị trấn Mạo Khê về tệ nạn mại dâm, đoạn phố có tên là đường bê tông Hoàng Thạch. Từ nhiều năm nay, cái tên chính thức kia đã lùi vào dĩ vãng để thay vào đó là hàng loạt những cái tên rất “gợi” khác như: “phố đèn đỏ”, “phố Hồng Kông” hay đơn giản là “phố thư giãn”. Sau hàng xấp đơn phản ánh “một đi không trở lại”, người dân nơi đây giờ đã nhắm mắt làm ngơ, chấp nhận sự tồn tại ngoài ý muốn của tụ điểm mại dâm này.

 

Theo quan sát, đoạn phố dài chừng 1km, kéo từ chân cầu Hoàng Thạch đến ngã tư Mạo Khê, là một đoạn phố rộng rãi, to đẹp với cấu trúc nhà phân lô ngay ngắn nằm dọc 2 bên phố. Thế nhưng, đan xen giữa những ngôi nhà khang trang là hàng chục quán cà phê có tên khá mời gọi như: “Điểm hẹn”, “Đêm hồng”, “Gái xinh”, “Teen 9x”… Tất cả những quán cà phê này đều có một cách trang trí hao hao giống nhau với những tấm biển có dòng chữ “thư giãn” hoặc “tẩm quất” cùng ánh đèn hồng mờ ảo trong căn phòng được buông rèm mỏng hờ hững.
 
Một góc thị trấn Mạo Khê

Một góc thị trấn Mạo Khê

 

Người dẫn đường cho chúng tôi là một người đàn ông bản xứ trung tuổi, tên T. Anh này cho biết có nhiều quán cà phê đèn mờ như thế ở đoạn đường này. Đây là một điều khá “lại” vì cư dân khu vực này phần lớn là công nhân viên chức, cán bộ của nhà máy xi măng Hoàng Thạch hoặc mỏ than Mạo Khê. “Xưa nay chúng tôi vẫn tự hào khu mình là khu dân trí cao, khu trí thức, thế nhưng bỗng 2-3 năm trở lại đây bị mang tiếng xấu nhất trong thị trấn”, anh này bức xúc.

 

Các động mại dâm trá hình này hoạt động hiên ngang, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là các cháu học sinh. “Các cháu đều đang tuổi học hành, ngày ngày nhìn những cô ả ăn mặc mát mẻ lượn ra lượn vào rồi nói chuyện với nhau toàn bằng ngôn ngữ chợ búa. Tối đến lại thấy khách khứa đến dập dìu qua lại, chọc ghẹo nhau chí chóe, rồi đánh cãi chửi nhau đến 2-3 giờ sáng”, anh T. phản ánh.

 

“Thư giãn” tại chỗ giá 100 nghìn đồng

 

Thấy xe chúng tôi đi chầm chậm, mấy cô gái trong quán ven đường lập tức “chỉnh đốn” trang phục sao cho… gọi mời hơn để hấp dẫn khách.

 

Một phụ nữ chừng 35 tuổi, ra dáng “má mì”, mặc quần soóc ngắn cùng áo hai dây, khoe nửa bộ ngực đồ sộ chạy tới đon đả chào mời: “Các em ở đây là đẹp nhất khu vực này rồi, đố các anh tìm được đau hơn, chiều khách và thời gian thoải mái lắm”. 
 
Khu đèn mờ hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm
Khu đèn mờ hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm

 

Cả 3 cô gái đang dàn hàng cho khách chọn đều còn khá trẻ và xinh xắn. “Má mì” cho biết các “em” ở đây sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của khách, từ “thư giãn” bằng tay đến “tàu nhanh”, “qua đêm” với các mức gia được quy định rõ ràng. “Vì cơ sở vật chất ở quán khá chật hẹp nên quán em chỉ cho phép phục vụ “thư giãn” tại chỗ với giá vé vào cửa là 100 nghìn đồng, tiền “bo” tùy tâm. Còn nếu muốn được phục vụ tận tình hơn, các em ấy sẽ ra nhà nghỉ với các anh. Giá một lần “tàu nhanh” là 400 nghìn đồng, đã bao gồm tiền nhà nghỉ”.

 

Chẳng để khách kịp phản ứng, “má mì” đẩy một cô gái trẻ về phía tôi, nói: “Em này mới đi làm vài hôm, còn mới nhưng cũng chiều khách ra trò”.

 

Tôi vờ lo lắng về độ an toàn, “má mì” cười ngọt lịm: “Chỗ em đã rất an toàn. Nhưng nếu anh thích có thể ra nhà nghỉ. “Thư giãn” tại nhà nghỉ 250 nghìn đồng”.

 

Sau khi kiếm cớ “chuồn” khỏi “ổ nhền nhện”, chúng tôi tạt vào một quán nước nằm trên vỉa hè. Tại đây, qua lời kể của chủ quán cũng như quan sát, chúng tôi nhận thấy khách vào quán thường chỉ ngồi dăm ba phút rồi lên xe đi về hướng trung tâm thị trấn. Vài phút sau sẽ có một thanh niên đến đón gái và cũng nhằm hướng khách vừa đi thẳng tiến. Khách đến quán có đủ thành phần, thậm chí có cả khách nước ngoài. Họ hầu hết là các công nhân, chuyên gia người Đài Loan hoặc Trung Quốc đang công tác ở các nhà máy xi măng ở các khu vực lân cận.

 

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Thanh Trường - Chủ tịch UBND thị trấn Mạo Khê. Qua điện thoại, ông này cáo bận và đề nghị PV làm việc với công an thị trấn.

 

Theo lộ trình, huyện Đông Triều sẽ được công nhận lên thị xã vào năm 2013. Chính quyền huyện đang nỗ lực từng ngày để cải thiện hình ảnh cũng như vị thế phát triển của mình. Tuy nhiên, nạn mại dâm “đèn mờ” ở đây hình như vẫn là một bài toán nan giải!

 

Thế Cường - Tiểu Cát