"Thông" lối từ bến xe miền Tây về trung tâm TPHCM

(Dân trí) - Sáng 11/1, dự án cầu Ông Buông 2 (đường Hồng Bàng) đã được thông xe. Theo đó, các phương tiện được lưu thông từ nút giao thông Phú Lâm (quận 6) về nút giao vòng xoay Cây Gõ. Từ nay, giao thông từ bến xe miền Tây về trung tâm thành phố không còn bị “tắc”.

Thông lối từ bến xe miền Tây về trung tâm TPHCM
Thông xe cầu Ông Buông 2 là niềm vui lớn đối với những ai thường xuyên lưu thông qua khu vực nút giao Phú Lâm, vòng xoay Cây Gõ

Ông Vương Hoàng Thanh – Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TP (chủ đầu tư dự án) cho biết, việc thông xe này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực vòng xoay Phú Lâm, cũng như giảm áp lực giao thông lên tuyến đường Hậu Giang và Nguyễn Văn Luông. Các phương tiện lưu thông từ bến xe miền Tây về trung tâm thành phố được thuận lợi hơn.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, cầu Ông Buông 2 thông xe sau hơn 3 tháng thi công (từ 13/9/2014). Tuy đã thông xe nhưng còn một số hạng mục lan can, hoa viên tiểu cảnh dưới dạ cầu vẫn tiếp tục thi công. Riêng đối với cầu Ông Buông 1 (hướng từ vòng xoay Cây Gõ về nút giao thông Phú Lâm) do có nhiều công trình ngầm hơn nên chưa thể thông xe cùng lúc. Phía Ban quản lý đang thúc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, chắc chắn vào đầu tháng 2/2015 sẽ cho thông xe cầu Ông Buông 1, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao dịp Tết Nguyên đán…

Cầu Ông Buông 2 được thiết kế với 1
làn xe bốn bánh và 1 làn xe 2 bánh
Cầu Ông Buông 2 được thiết kế với 1 làn xe bốn bánh và 1 làn xe 2 bánh

Như vậy, các phương tiện lưu thông từ các phương tiện lưu thông từ đường Hồng Bàng (quận 5) vòng xoay Cây Gõ về Kinh Dương Vương, vòng xoay Phú Lâm (quận 6) vẫn đi theo lộ trình cũ như sau:

Lộ trình 1: Hồng Bàng -> Tân Hóa -> Đặng Nguyên Cẩn -> Tân Hòa Đông -> Kinh Dương Vương. Lộ trình 2: Hồng Bàng -> Vòng xoay Cây Gõ -> Minh Phụng -> Hậu Giang – Nguyễn Văn Luông – Kinh Dương Vương.


Cầu Ông Buông 2 được thiết kế với 1
làn xe bốn bánh và 1 làn xe 2 bánh
Trong khi đó, không khí thi công cầu Ông Buông 1 ngay bên cạnh vẫn đang khẩn trương cho kịp tiến độ trước Tết Nguyên đán 2015

Theo Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TP, nguồn kinh phí thực hiện dự án cầu Ông Buông 1, Ông Buông 2 chính là số tiền dư tiết kiệm từ nguồn vốn vay ODA do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ cho dự án nâng cấp đô thị TPHCM. Số tiền tiết kiệm được là 36 triệu USD, TP sử dụng nguồn dư tiết kiệm này để xây mới bốn cầu trước đó là cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Lê Văn Sỹ (qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) và cầu Hậu Giang (qua kênh Tân Hóa – Lò Gốm).

Quốc Anh