Săn kho báu dưới lòng đại dương:

Thợ săn ngầm và con tàu chở cổ vật thế kỷ XIV

Độ sâu dưới biển từ 50-70m đều bị thợ săn ngầm ở làng chài Bình Châu đặt chân tới. Có khi trời nổi sóng gió ào ào, các tàu khai thác cổ vật rút hết, thợ săn ngầm ở làng lại xuất hiện để chinh phục đáy đại dương, bật nắp kho cổ vật để tìm hàng độc.

Thợ lặn xuống đáy biển nơi có con tàu ma.

Thợ lặn xuống đáy biển nơi có con tàu ma.

 

Con tàu chở cổ vật đang được khai thác tại Quảng Ngãi được phát hiện bởi chính những ngư dân săn ngầm làng chài Bình Châu.

 

Những con tàu ma

 

Làng biển Bình Châu nằm cạnh cửa Sa Kỳ của tỉnh Quảng Ngãi. Theo lịch sử, năm 1609, nhiều tộc họ tại ngôi làng này ra đảo Lý Sơn khai khẩn và lập làng. Sau này, người dân trong làng và trên đảo thường xuyên có mặt trong đội hùng binh Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn.

 

Làng biển trong đất liền và ngoài đảo đều giống nhau là có nhiều ngư dân lặn biển thiện chiến, có thể chinh phục độ sâu gần 70m. Ngư dân săn cổ vật gọi các ngư dân này là ngư dân săn ngầm. Bởi ở độ sâu này, thợ lặn trục vớt được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ vẫn ngao ngán vì sức ép của nước dễ gây tê bại và tử vong. Nhưng thợ lặn của làng Bình Châu thì vẫn lao chúi đầu xuống nước và bắt đầu quãng đường mò tận đáy biển, sờ tay vào từng cổ vật.

 

Nghĩa - một ngư dân từng làm tàu ngầm kể lại, khi lặn xuống độ sâu 70m nước, thợ lặn đều biến thành ngáo ộp. Do bị sức ép lớn, khuôn mặt ai cũng bị biến dạng, mắt bị thụt sâu vào hốc, má hóp lại, người khều khào như con nhện. Thợ lặn chuyên nghiệp, có đầy đủ đồ bảo hiểm và bình khí, nghe độ sâu này đều lắc đầu. Nhưng đám thanh niên trai tráng ở làng lặn này thì vẫn dám lao xuống tận đáy biển để mò vào kho báu là những con tàu chìm. Để có thể “ấn người” xuống độ sâu này, mỗi ngư dân đeo ngang người một sợi dây chì có trọng lượng hơn 20kg. Nếu muốn lao xuống đáy biển thật nhanh thì ôm theo một tảng đá thật nặng.

 

Khi lặn xuống đáy biển mò vớt cổ vật, nhiều ngư dân lạnh toát, bủn rủn chân tay vì bắt gặp bộ xương người. Những con tàu chìm đã mang theo những thủy thủ xấu số. Mấy trăm năm trôi qua, nhưng nhiều bộ xương vẫn dặt dìu cùng sóng biển và trộn lẫn trong kho cổ vật đổ nát, ẩn mình dưới đáy sâu.

 

Ông Sinh - một ngư dân lão luyện đã từng lặn thám hiểm nhiều con tàu cổ kể lại câu chuyện rùng rợn: “Hồi vô vùng biển Vũng Tàu lặn xuống con tàu cổ, anh em tôi đã cúng bái xin các Ngài, nhưng việc làm ăn vẫn bị quấy phá”. Khi lặn xuống con tàu, các ngư dân nhìn thấy trong quầng nước đục có những hình thù kỳ lạ lúc ẩn lúc hiện. Có người vội vàng nhoi lên mặt nước, nhảy ùm lên sàn tàu run lẩy bẩy, ai hỏi thì lắc đầu chỉ xuống nước bảo “dưới đó hình như có ma”.

 

Ông Sinh thì bạo gan hơn, sục vào tận khoang tàu và gom được một đống xương người. Sau khi tổ chức cúng và trả lại bộ xương xuống biển, các ngư dân bắt đầu tìm những cổ vật còn sót lại trên con tàu. Nhưng việc làm ăn không gặp thuận lợi. Máy tàu dù mới được đại tu nhưng có lúc bị hụt nhớt, có khi hụt nước làm mát. Thợ máy cả ngày đánh vật dưới hầm tàu, người lấm lem dầu mỡ, nhưng rồi sự cố vẫn thay nhau xảy ra.

 

Hằng ngày thợ lặn hì hục dưới nước mệt mỏi nên ban đêm ngủ say như chết. Riêng ông Sinh thì thao thức tính toán phiên lặn ngày hôm sau để đội thợ nhanh chóng rút lui vì thời tiết sẽ chuyển biến xấu. Con tàu chập chờn trên sóng, phía dưới là xác chiếc tàu cổ. Đang suy tính thì ông Sinh chợt bật dậy vì nghe có tiếng gà gáy vọng lên từ đáy biển.

 

Ban đầu nghĩ rằng mình bị ảo tưởng nên ông Sinh giội một gáo nước vào mặt và tiếp tục điềm tĩnh lắng nghe. Tiếng gà gáy lúc xa, lúc gần. Mỗi khi có cuộn sóng to, tiếng gáy của gà trống như được dịp ùn lên từ đáy biển. Âm thanh mơ hồ đó cứ hằng đêm lặp lại cho đến khi công việc lặn tìm cổ vật tại con tàu này kết thúc. Khi anh em thợ lặn về tới nhà, ông Sinh mới mang chuyện lạ ra kể lại. Có một người bạn đi trên tàu thú thực là cũng nghe tiếng gà gáy từ dưới đáy biển nhưng không dám nói với anh em vì sợ đội săn ngầm mất tinh thần không dám ngụp lặn xuống con tàu ma dưới đáy biển.

 

Còn ngư dân Bùi Văn Lượng ở xóm Gành Cả cũng kể lại vô số chuyện lạ dưới đáy biển. Là thuyền trưởng con tàu, cứ 19h các ngư dân bắt đầu phiên lặn, mang theo chiếc đèn và đi dạo dưới đáy biển của đảo Hoàng Sa. Đến khi gần sáng, ngư dân mới ngoi lên tàu nghỉ ngơi. Có lần ông Lượng mải đuổi theo một bầy cá và lọt vào một chiếc hang có trần rộng như ngôi nhà dưới đáy biển. Ông Lượng sững người và kinh ngạc khi có người xuất hiện thì chiếc hang nằm dưới mặt biển vài chục mét bỗng dưng cạn nước.

 

Moi xác tàu cổ

 

Có nhiều cuộc khai quật tàu cổ trên biển được tiến hành. Nhưng nguồn phát hiện ra những con tàu cổ này vẫn là những ngư dân làm nghề săn ngầm ở làng chài Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi. Cuối năm 1999, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Công ty trục vớt cứu hộ Visal tiến hành khảo sát sơ bộ địa điểm Sóng Tàu. Những ngày bắt đầu triển khai, biển liên tục xuất hiện sóng lớn làm cho công tác lặn vớt bị dừng lại. Cuối cùng, dưới độ sâu 5m, các thợ lặn đã phát hiện ra hàng chục ngàn mảnh vỡ của đồ gốm sứ nằm rải rác.

 

Cổ vật này vừa trục vớt được từ con tàu cổ đã 700 năm.
Cổ vật này vừa trục vớt được từ con tàu cổ đã 700 năm.

 

Thợ lặn đã tiến hành cắm cọc, chăng dây thành 2 ô với diện tích hơn 70m2. Tổng cộng đã vớt được 460 cổ vật tại điểm Sóng Tàu. Có nhiều loại bát, đĩa. Hàng hóa trên tàu gồm: Mâm đồng có đường kính 57cm, chậu đồng có đường kính 42cm, khay đồng đường kính 26cm. Ngoài ra còn có 201 nẹp đồng có chiều dài 36-40 cm. 

 

Người ta cũng phát hiện một bộ xương trên tàu. Ban đầu thợ lặn hoảng hốt vì nghĩ đã chui vào chiếc quan tài dưới đáy biển và bộ xương kia là của những thủy thủ trên tàu bị bỏ mạng. Thợ lặn được trấn an tinh thần để tiếp tục phiên lặn. Khi đưa bộ xương về bảo tàng, các nhà nghiên cứu mới kết luận, đó không phải xương người mà là xương của một con ngựa lớn.

 

Theo tư liệu lịch sử, thời trước các nhà buôn trên những con tàu lớn thường mang theo ngựa. Tàu buôn cập bờ, các nhà buôn sử dụng ngựa để đi lại trên đất liền giao dịch với các thương điếm. Con tàu này bị chìm gần bờ nên các thủy thủ có thể đã may mắn sống sót, chỉ có chú ngựa thồ là nạn nhân xấu số đã chìm theo con tàu.

 

Tại điểm khai quật còn thu được tượng gốm sứ Phật Di Lặc, tượng Tuyết Sơn, bát men xanh, men ngọc, men xanh phân ô. Có một chi tiết đáng chú ý là những mảnh sành, gỗ ván trên tàu dính chặt vào nhau bởi một chất dẻo lạ đã chứng minh con tàu bị hỏa hoạn. Căn cứ vào hoa văn, đặc điểm và dấu triện đóng dưới đế bát đĩa, các nhà khảo cổ đã kết luận chắc chắn là gốm sứ thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435). Giới cổ vật thường gọi là gốm sứ Tuyên Đức.

 

Còn chiếc tàu cổ vừa được khai quật tại tỉnh Quảng Ngãi cũng bắt nguồn từ những ngư dân săn ngầm. Sau nhiều năm sục sạo đáy biển tìm kho báu, ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã có thêm nhiều kinh nghiệm để có thể hô “biến” một cái, con tàu chở cả kho cổ vật bị chôn vùi dưới lòng đại dương phải hiện ra trước mặt. Đó là công nghệ dùng bơm cao áp để thổi cát.

 

Ông Dũng - một ngư dân tại xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận - là người đi tiên phong trong việc sắm máy sục đáy biển để hốt cổ vật. Ống sục khí chĩa thẳng xuống nền cát, đáy biển chẳng mấy chốc đã bị khoét một hố lớn, sâu và đen ngòm như đường đi xuống âm ty địa phủ. Suốt thời gian từ cuối năm 2012, ông Dũng quyết định truy tìm cả một vùng biển rộng lớn tại thôn Châu Thuận Biển để tìm cho ra con tàu cổ mà người già trong làng cho rằng chở rất nhiều cổ vật và có thể mang theo nhiều châu báu.

 

Đến mờ sáng ngày 7.8.2012, người dân địa phương kéo ra xem vợ ông Dũng gánh một gánh nặng cổ vật, ước tính khoảng 70 chiếc đĩa cổ có đường kính 40cm. Dân buôn cổ vật có mặt và giật mình vì đĩa dưới con tàu này không giống những món cổ vật ở những con tàu trước đây. Phần lớn là đĩa men xanh ngọc, bên cạnh đó còn có đĩa, bát men nâu có niên đại thế kỷ XIV.

 

Những món cổ vật và xương được trục vớt năm 1999.
Những món cổ vật và xương được trục vớt năm 1999.

 

Một cán bộ chuyên nghiên cứu khảo cổ cho biết, cổ vật dưới con tàu này có giá trị cao nhất so với tất cả các con tàu chở cổ vật mà giới khảo cổ đã phát hiện trên vùng biển Việt Nam. Vậy là cả làng cổ vật bắt đầu đổ xô vào moi lòng biển và lấy đi hàng ngàn cổ vật dưới con tàu này.

 

Nhà nước đã tiến hành quản lý con tàu cổ và giao cho Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương chịu trách nhiệm khai quật. Đây là công ty từng tham gia khai trục vớt con tàu cổ tại Cù Lao Chàm. Phương án khai quật được tiến hành theo phương án đóng giếng kín, hút cạn nước. Sau thời gian hai quật, toàn bộ chiếc tàu có chiều dài 24m, chiều rộng 5m hiện ra, tàu cá của ngư dân đi biển hiện nay có chiều dài khoảng 18-21m). Sau thời gian khai quật, nhiều cổ vật như đĩa, bát, hũ… men ngọc xanh, men nâu đã được thu nhặt.

 

Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam cho biết, trong số 270 thùng cổ vật đã lựa ra được những cổ vật độc bản, gồm “đĩa men có đường kính 36cm, trong lòng đĩa có hoa văn hình rồng chạm khắc, có hình quả cân khắc chữ Trung Quốc. Toàn bộ phần lòng thuyền hiện nay còn tương đối nguyên vẹn, dù con thuyền này được xác định là đã chìm đắm hơn 700 năm”.

 

Theo Lê Hồng Hà

Lao Động