Quảng Bình:

Thiếu âu thuyền, gần 1.200 tàu cá “chật vật” tìm nơi neo đậu

(Dân trí) - Quảng Bình hiện không có bất kỳ một khu neo đậu nào thiết kế cho tàu có công suất từ 300CV trở lên, điều này khiến gần 1.200 tàu cá công suất trên 300CV “chật vật” tìm nơi neo đậu. Sự bất hợp lý này cũng khiến công tác quản lý, vận hành khu neo đậu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Nhiều bất cập tại các khu neo đậu ở Quảng Bình

Quảng Bình là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, tuy nhiên tỉnh này hiện không có bất kỳ một khu neo đậu nào thiết kế cho tàu có công suất từ 300CV trở lên.

Thiếu âu thuyền, gần 1.200 tàu cá “chật vật” tìm nơi neo đậu - 1

Quảng Bình hiện chưa có khu neo đậu cho tàu trên 300CV.

Quảng Bình có tất cả 3 khu neo đậu thì khu neo đậu tránh trú bão Cửa Gianh có công suất lớn nhất cũng chỉ 450 tàu, khu neo đậu Roòn có công suất 235 tàu. Khu neo đậu tàu thuyền tại thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới dù vừa mới được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ được thiết kế cho 270 tàu có công suất từ 90 - 300CV nên chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú cho một bộ phận nhỏ ngư dân. Trong khi đó tại Quảng Bình, tàu cá trên 300CV có đến gần 1.200 chiếc. Bởi vậy cứ mỗi lần có mưa bão, ngư dân lại “chật vật” tìm nơi neo đậu, tránh trú.

“Lượng tàu từ 400CV trở lên rất đông chứ lượng tàu dưới 400CV ở Nhật Lệ rất ít. Ngư dân chúng tôi rất muốn có cảng, âu thuyền để tránh trú mỗi khi bão đến. Hiện nay mỗi lần có bão là chúng tôi lại nhốn nháo tìm chỗ tránh trú. Nhiều tàu phải chạy sâu vào phía thượng nguồn sông Nhật Lệ, rất dễ vấp phải đá hoặc mắc cạn”, ông Phạm Tuệ, chủ tàu QB 91115.TS  xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới chia sẻ.

Thiếu âu thuyền, gần 1.200 tàu cá “chật vật” tìm nơi neo đậu - 2

Trong khi đó tại Quảng Bình, tàu cá trên 300CV có đến gần 1.200 chiếc. Bởi vậy cứ mỗi lần có mưa bão, ngư dân lại “chật vật” tìm nơi neo đậu, tránh trú.

Trên thực tế, ở các khu neo đậu, vì không còn cách nào khác nên nhiều tàu lớn vẫn phải vào tránh trú. Theo thống kê, tàu công suất lớn trên 300CV vào neo đậu chiếm từ 40-50%, trong đó, có nhiều tàu có công suất 800CV. Đơn vị vận hành dù biết trái quy định nhưng vẫn buộc phải cho các tàu này về neo đậu trú tránh bão.

“Nếu không có chỗ này tránh bão thì rất khó cho ngư dân, âu thuyền chỉ cho tàu công suất nhỏ mà sức chứa cũng rất hạn chế số với số lượng tàu của các địa phương. Như tàu của tôi cứ mưa bão là phải chạy lên rất xa mới neo được mà cũng không an toàn”, ông Đào Bình, chủ tàu QB 91148TS, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới băn khoăn.

Thiếu âu thuyền, gần 1.200 tàu cá “chật vật” tìm nơi neo đậu - 3

Khu neo đậu tàu thuyền tại thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới dù vừa mới được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ được thiết kế cho 270 tàu có công suất từ 90 - 300CV nên chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú cho một bộ phận nhỏ ngư dân.

Mặt khác, theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 thì Quảng Bình có 5/6 khu neo đậu tránh trú bão có quy mô cho tàu có công suất từ 90 - 300 CV. Trong khi thực tế, tốc độ phát triển số lượng tàu cá ở Quảng Bình rất nhanh, đặc biệt là tàu trên 300CV, bởi vậy một số khu neo đậu dù mới được xây dựng nhưng do phải tuân thủ quy hoạch nên đã tỏ ra không phù hợp với thực tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này đang tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm kiến nghị lên cấp trên để điều chỉnh, thay đổi quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, tránh các bất cập trong công tác neo đậu cũng như việc quản lý.

Thiếu âu thuyền, gần 1.200 tàu cá “chật vật” tìm nơi neo đậu - 4

Khu neo đậu Roòn, huyện Quảng Trạch hiện nay cũng chỉ có công suất 235 tàu, không đáp ứng được nhu cầu của lượng tàu rất lớn tại địa phương này.

Trong khi Chính phủ đang khuyến khích ngư dân đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì việc thiếu nơi neo đậu tránh trú an toàn cho các tàu công suất lớn sẽ gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Do đó, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần có những điều chỉnh hợp lý trong quy hoạch các khu neo đậu để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

Tiến Thành