1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thiệt thòi của dân ai sẽ bồi thường, ai sẽ chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Ngày 4/10, HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc kỳ họp thứ 6 về chuyên đề “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị”. Thế nhưng, vấn đề làm nóng cả nghị trường lại là “quy hoạch treo” và thiệt thòi của người dân trong khu “quy hoạch treo”.

Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc sáng 4/10
Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc sáng 4/10

Treo cả một thế hệ rồi…

Lần đầu tiên trong lịch sử nghị trường TPHCM, HĐND TP đã mời 1 đại biểu là cử tri, là người dân bình thường tham dự tổ thảo luận của các đại biểu HĐND TP. Đó là cử tri Đặng Văn Quất, ngụ tại phường 28, quận Bình Thạnh. Nhà ông nằm trong khu vực quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa. Dự án này đã “treo” suốt 20 năm nay rồi mà chưa thấy được “hạ” xuống.

Ông Quất phát biểu tại nghị trường: “Dự án khu vực chúng tôi bị treo 20 năm rồi, treo cả 1 thế hệ rồi. Bởi tôi nghĩ, 20 năm cũng đủ cho 1 thế hệ lớn lên, trưởng thành và cống hiến cho xã hội. Vậy bao giờ dự án ở chỗ chúng tôi làm xong? Không lẽ chúng tôi chờ thêm 20 năm nữa?”.

Rồi ông chắp tai vái khắp các đại biểu HĐND TP trong tổ thảo luận số 1 và nói: “Tôi vinh dự được tham dự buổi họp này, tôi thấy các vị ai cũng giỏi quá, biết nhiều thứ quá. Nhưng tôi chỉ mong các vị làm sao thúc đẩy giải quyết dự án “treo” ở chỗ chúng tôi. Nếu nhắm làm được thì làm cho nhanh, làm ngay. Còn nếu nhắm không làm được thì gỡ bỏ quy hoạch treo cho dân nhờ”.

Cử tri Đặng Văn Quất vái khắp các đại biểu nhờ giúp xóa “treo” cho gia đình ông
Cử tri Đặng Văn Quất vái khắp các đại biểu nhờ giúp xóa “treo” cho gia đình ông

Không phải cử tri mới bức xúc với quy hoạch treo, bởi ngay cả các đại biểu lên tiếng phát biểu cũng chỉ trích kịch liệt trách nhiệm của chính quyền khi để xảy ra vấn nạn này, gây thiệt thòi rất lớn cho người dân. Bởi hầu như đại biểu đi tiếp xúc ở địa phương nào cũng nghe cử tri than phiền, chất vấn về quy hoạch treo ở nơi này, nơi kia, chính quyền không cho xây sửa nhà, cả gia đình phải chịu cảnh sống trong dơ bẩn, dột nát…

Ở tổ thảo luận số 3, đại biểu Trần Văn Tâm kể khổ giùm cư dân sống trong khu quy hoạch treo: “Dân cư chẳng xây sửa nhà được vì vướng quy hoạch. Nếu không cho người ta làm (sửa chữa nhà), khi xảy ra sự cố gì thì ai chịu trách nhiệm? Cái này thì không rõ, nhưng chắc chắn người chịu thiệt thòi đầu tiên là hộ dân sống trong quy hoạch treo đó”.

Đại biểu Lê Hùng Sơn cũng đồng tình: “Quy hoạch treo gây thiệt hại cho dân rất rõ ràng. Đất đai đó mà không buôn bán gì được, cho con cái cũng không làm giấy tờ được, cất nhà cũng không được…”.

Sau hơn 10 phút phàn nàn, trình bày ý kiến bức xúc của cử tri nơi mình tiếp xúc về quy hoạch treo, đại biểu Lê Hùng Sơn chỉ trích: “Đất đai là tài sản mưu sinh suốt mấy đời của người dân. Trong khi đó chúng ta là là…”. Ông ấp úng tìm từ, ngừng 1 lát rồi tiếp lời: “Tất nhiên là chúng ta làm đúng quy định, nhưng chúng ta phải xem xét lại thật kỹ!”.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, trên địa bàn thành phố còn gần 30 dự án quy hoạch treo khiến người dân bức xúc. Thế nhưng, theo các đại biểu thì đó chỉ là 1 phần, bởi có những dự án đã quy hoạch rồi, có chủ đầu tư rồi cũng làm cầm chừng, ì ạch kéo dài công tác bồi thường, tái định cư làm khổ dân. Mà có tái định cư rồi thì dân cũng khổ.

Đại biểu Lâm Đình Chiến thì than phiền cái nạn treo từ dự án, nhà cửa, hạ tầng cho đến đường xá, hẻm hóc. Ông nói: “Địa bàn quận 10 có hàng ngàn con hẻm đã quy hoạch rồi, quy hoạch 5 - 7m nhưng làm được bao nhiêu? Tôi chỉ khảo sát ở 3 phường thôi nhưng dự trù phải giải tỏa 400 hộ. Tiền đâu ra mà làm? Vậy là “treo”! Nói thật là quy hoạch của chúng ta rối rắm quá, tự chúng ta vẽ ra và cũng chỉ có ta mới hiểu, người dân chẳng tài nào hiểu được đâu”.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tài chung ý kiến: “Quy hoạch đô thị tốt đẹp hơn thì dân rất đồng tình. Nhưng quan trọng là chúng ta làm quy hoạch thế nào? Nếu cứ để treo thế này thì làm mất niềm tin của người dân vào quy hoạch thành phố”.

Ai bồi thường, ai chịu trách nhiệm?

Không phải chỉ những dự án treo, có quy hoạch mà chưa có nhà đầu tư thì dân mới khổ. Ngay cả những dự án đã có chủ đầu tư, đã triển khai dân cũng khổ như thường.

Tại tổ thảo luận số 1, đại biểu Huỳnh Công Hùng lấy ví dụ 1 dự án 400 ha đã được thực hiện từ năm 2004. Ông cho biết: “Dự án này thực hiện từ năm 2004 nhưng dự án khu tái định cư cho dự án này đến giờ phút này vẫn chưa thẩm định xong. Hiện dự án khu tái định cư này đang chờ Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định để tháng 10 trình HĐND TP, rồi chuyển lại Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét, rồi trình lại HĐND TP vào cuối năm để duyệt thông qua ghi vốn đầu tư dự án tái định cư”.

Rồi ông vung tay bức xúc: “Thử hỏi, 1 dự án từ 2004 đến giờ mà chưa duyệt xong dự án khu tái định cư, 8 năm chờ đợi người dân bị giải tỏa sống thế nào? 8 năm mà chưa xong dự án vốn khu tái định cư thì bao nhiêu năm nữa người dân mới được tái định cư? Nếu thời gian kéo dài thì giá trị đồng tiền còn bao nhiêu, cuộc sống người dân thế nào?”.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng bức xúc về các dự án ì ạch làm khổ dân
Đại biểu Huỳnh Công Hùng bức xúc về các dự án ì ạch làm khổ dân

Ông khẳng định: “Không chỉ 1 dự án như thế!”. Ông khẳng định như thế để cho thấy công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đang hết sức phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân, cần tháo gỡ ngay.
 
Tại buổi thảo luận ngày 4/10, 3 tổ thảo luận của HĐND TP cũng đã đề xuất rất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, thực hiện dự án chậm chạp, giải phóng mặt bằng lề mề, tái định cư cẩu thải… gây thiệt thòi cho người dân nằm trong vùng quy hoạch.

Điều đầu tiên mà các đại biểu yêu cầu xác định là ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai sẽ bồi thường đối với những thiệt hại của người dân do quy hoạch treo, thực hiện quy hoạch không tốt gây ra?

Vấn đề này đã được rất nhiều đại biểu như đại biểu trần Văn Tâm, Huỳnh Công Hùng, Lâm Đình Chiến, Trần Trọng Dũng… đặt ra. Các đại biểu đều yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm để nâng cao tinh thần làm việc của những người có trách nhiệm khi họ định lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Đại biểu Lê Hùng Sơn cho rằng: “Với những dự án quy hoạch treo, ngừng dự án, bỏ quy hoạch thì phải tính rõ trách nhiệm xử lý thế nào? Quyền lợi của người dân xử lý thế nào? Kéo dài gây thiệt hại cho dân thì ai sẽ bồi thường?”.

Ông đề đạt thêm: “Mỗi dự án khi quy hoạch phải phân tích rõ là làm dự án này thì nhà nước được lợi gì, nhà nước được lợi gì, chủ đầu tư được lợi gì? Đừng cứ mỗi dự án đều vẽ ra lợi ích của chủ đầu tư rồi kêu gọi đầu tư”.

Còn đại biểu Lâm Đình Chiến thì kêu gọi công khai minh bạch thông tin các dự án. Ông nói: “Bao nhiêu dự án đã duyệt mà chưa làm? Bao nhiêu dự án chưa thi công theo đúng thời gian quy định? Những dự án đó phải kiên quyết thu hồi. Phải công khai minh bạch những dự án đó cho dân giám sát. Tại sao chúng ta không công khai?”.

Ngày mai (5/10), phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII sẽ diễn ra. Tại đây, các đại biểu sẽ chất vấn những đơn vị có trách nhiệm lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch.

Tùng Nguyên