Thêm 17 trạm thu phí QL 1A, tái diễn cảnh “phí chồng phí”?

(Dân trí) - 2-3 năm tới, quốc lộ 1A sẽ có thêm 17 trạm thu phí dựng lên dọc tuyến, xe lưu thông lại gánh 2 lần phí, cước vận tải cũng đội lên vì phí nặng…? Nhiều câu hỏi đặt ra tại phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí chiều 11/4.

Câu chuyện về phí chồng phí được đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhắc đến trong câu chuyện đang rất thời sự về phí bảo trì đường bộ. Theo ông Sơn, việc thu phí bảo trì đường bộ tính trên đầu phương tiện thực hiện thời gian qua vẫn chưa tạo được sự đồng thuận trong dư luận.

Phí thu đối với ô tô tạo thêm gánh nặng không nhỏ với cả đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi phí áp dụng với xe máy lại dường như khó khả thi. Theo báo cáo, năm 2013, cả nước mới thu được 500 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ với xe máy.
Thêm 17 trạm thu phí QL 1A, tái diễn cảnh “phí chồng phí”?
Đại biểu Trần Đình Nhã: "Thêm 17 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A, tình trạng phí chồng phí lại tái diễn?".

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường được yêu cầu giải đáp băn khoăn của ông Sơn. Ông Trường cho biết, sơ kết 1 năm thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ, chuyển việc thu phí qua các trạm thu phí đường bộ sang biện pháp thu tiền trên đầu phương tiện, hầu hết các trạm đã dừng thu, chỉ còn một số trạm BOT duy trì hoạt động thu phí.

Tổng số phí thu được từ ô tô xấp xỉ 5.500 tỷ đồng (trong đó 65% nộp ngân sách TƯ, 35% để lại các quỹ địa phương). Tiền thu từ xe máy được để lại 100% cho địa phương nhưng thực tế, cả năm 2013 việc thu phí với xe máy mới đạt 2% kế hoạch (dự kiến thu 6.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ được 500 tỷ).

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã ghi nhận kết quả xóa bỏ phần lớn trong tổng số 57 trạm thu phí đường bộ khi triển khai thu phí bảo trì đường trên đầu phương tiện nhưng ông Nhã cũng lo thời gian tới, khi quốc lộ 1A hoàn thành sẽ lại có rất nhiều trạm thu phí BOT dựng lên. Tình trạng “phí chồng phí” như vậy lại tiếp diễn?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phân trần, việc kêu gọi các nguồn đầu tư ngoài ngân sách là cứu cánh cho dự án nâng cấp quốc lộ 1A. Ngân sách sẽ mất ít nhất 100.000 tỷ đồng nếu “ôm” trọn dự án, còn kêu gọi đầu tư BOT thì số tiền phải chi chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng sẽ có 17 trạm thu phí BOT chạy dọc tuyến với khoảng cách 70km/trạm. Mà đầu tư bằng ngân sách thì cũng phải thu phí.

Với số trạm thu phí sẽ hình thành khi quốc lộ 1A thông suốt, theo tính toán của Bộ GTVT một xe tải 20 tấn đi từ TPHCM ra Hà Nội mất khoảng từ 1,5-1,7 triệu đồng tiền phí đường bộ. Mức thu như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng không lớn, có thể chấp nhận được.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thêm một câu hỏi: “Người dân vẫn kêu tình trạng thu phí chồng lên phí vì hiện phí bảo trì đường bộ được thu theo đầu xe nhưng các xe lăn bánh với những quãng đường khai thác, sử dụng khác nhau nhưng lại thu đồng đều nhau. Có nhiều xe đã phải nộp tiền quỹ bảo trì đường bộ rồi nhưng vẫn phải đi qua các vùng có công trình BOT, thậm chí nhiều vùng trạm thu rất dày?”.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) “bồi” thêm: “Cử tri đặt câu hỏi, giá cước vận tải tăng mạnh thời gian qua, áp lực chở quá khổ quá tải có phải do gánh nặng phí quá lớn?”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường tại phiên giải trình trước UB Tài chính Ngân sách.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường tại phiên giải trình trước UB Tài chính Ngân sách.

Việc này, ông Trường cũng khẳng định không phải là “phí chồng phí” vì tiền thu vào Quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng cho những đoạn đường không đầu tư bằng BOT còn những đoạn BOT, nhà đầu tư phải bỏ tiền bảo trì trong suốt quá trình khai khác.

Còn việc tăng giá cước vận tải, theo ông Trường là do chủ trương kiên quyết chặn xe quá tải. Việc bắt buộc phải hạ tải khiến chi phí vận chuyển tăng lên chứ không phải do phí nặng. Còn chủ trương chặn xe quá tải là tất yếu để cứu những con đường cả nghìn tỷ đồng đầu tư mà chỉ sau nửa năm là “đi tong” vì tình trạng xe quá tải trọng thiết kế hoạt động.

Đại biểu Trần Đình Nhã chuyển băn khoăn sang vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo ông Nhã, thực tiễn quản lý và theo dõi, hoạt động duy tu bảo dưỡng đường bộ cho thấy, việc kinh phí được cấp theo dự toán ngân sách hàng năm, yêu cầu đảm bảo công khai minh bạch tốt hơn là chỉ dồn cho mội Hội đồng quản lý quỹ như cách tổ chức thu phí trên đầu phương tiện như hiện nay. Ông Nhã muốn biết, một năm qua áp dụng phương thức mới, chỉ qua một Hội đồng quản lý “ít tai ít mắt” hơn, sự công khai minh bạch có bị giảm đi?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, mô hình quản lý Quỹ bảo trì đường bộ được áp dụng như quản lý ngân sách nên mọi hoạt động thu chi của quỹ đều thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Hội đồng quản lý quỹ có thành viên của 15 Bộ, ngành, cơ quan liên quan, họp định kỳ hàng quý, công bố công khai tài chính trên website Bộ Tài chính và các phương tiện, Kiểm toán nhà nước thường xuyên hoạt động… Ông Dũng nhấn mạnh, có rất nhiều cơ quan kiểm soát.

P.Thảo