Thanh tra Hà Nội: Cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ

(Dân trí) - “Theo kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp, xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ”, từ kết luận này, Thanh tra thành phố kiến nghị Hà Nội kỷ luật tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng.

Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, theo đề án, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xác định là một trong những tuyến đường được thực hiện thí điểm cải tạo, thay thế cây xanh. Theo khảo sát, hiện trạng cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh chủ yếu là cây Keo lá tràm (81 cây), đã trồng gần 20 năm, là cây thân giòn, dễ gãy. Trên đường này cây hoa sữa trồng với mật độ rất dày gây mùi nồng nặc (181 cây), nhiều hộ dân sống tại đây từ lâu đã mong được thay loại cây mới. Ngoài ra, có một số cây sâu mục, không đúng chủng loại cây đô thị như cây Bàng, cây Dâu da.

Thanh tra Hà Nội: Cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ

Thanh tra thành phố kết luận, hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải vàng tâm mà là cây Mỡ.

Với mong muốn cải tạo, thay thế cây xanh hiện trạng và trồng bằng một loại cây mới để có được một tuyến đường đẹp về lâu dài, hưởng ứng chủ trương của thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã tự nguyện vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ủng hộ và Ngân hàng VPBANK có văn bản đề nghị xin được đóng góp kinh phí để trồng lại cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh bằng cây Vàng tâm; trồng vào đầu năm 2015.

Sở Xây dựng cấp phép trồng cây thay thế trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây Vàng tâm là trên cơ sở đề xuất của Công an TP và chấp thuận chủ trương của UBND TP, do cây Vàng tâm là cây có một số tiêu chí phù hợp cây đô thị và là cây gỗ quý hiếm có tên trong sách đỏ cần được bảo tồn.

UBND TP Hà Nội có văn bản số 1473, ngày 3/3/2015 chấp thuận về chủ trương đề xuất trên, kinh phí thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không sử dụng nguồn vốn ngân sách. Đơn vị tài trợ bàn giao lại cho thành phố quản lý sau khi hoàn thành trồng và chăm sốc bảo đảm yêu cầu.

Tuy nhiên, với mong muốn việc cải tạo thay thế cây xanh hiện trạng đã trồng cây thay thế nhưng chưa tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, giản đơn. Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền chưa tốt, nhân dân chưa đồng thuận, thậm chí phản ứng mạnh mẽ và gay gắt của công luận và dư luận nhân dân.

Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội đã khẳng định, ngày 17/4/2015, Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 253/KHLN-KH về xác định chủng loại cây thay thế, trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo kết quả giám định 30 cây đã được lấy mẫu ở hai bên đường phố Nguyễn Chí Thanh của Viện Khoa học lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây đã trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ (tên khoa học: Manglietia conifer Dandy), thuộc họ: Mộc lan Magnoliaceae.

Kết luận cũng cho biết, qua xác minh người dân bán cây tại xã Đại Lịch, tỉnh Yên Bái và xác nhận của UBND xã Đại Lịch, từ đầu tháng 3 năm 2015 đến nay, UBND xã đã xác nhận cho người dân khai thác, bán cây Mỡ trồng trong vườn 8 hộ gia đình với tổng số 150 cây (cây trồng từ 5-7 năm, giá bán từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/1 cây, cả công đào và bốc lên xe là 300.000 đồng/1 cây).

Hàng cây gỗ mỡ trên phố
Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh chụp ngày 19/5/2015)
Hàng cây gỗ mỡ trên phố Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh chụp ngày 19/5/2015)

Theo Biên bản thỏa thuận lập ngày 12/3/2015 giữa Ban chấp hành Công đoàn và Đoàn Thanh niên Công an Hà Nội, Ban chấp hành Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng thỏa thuận với Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư HDL về việc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư HDL nhận cung cấp và trồng cây Vàng tâm tại đường Nguyễn Chí Thanh, thời gian thực hiện 30 ngày, đơn giá dưới 2.000.000 đồng/cây (đơn giá bao gồm: cây trồng, công đào và vận chuyển về trồng; đào hố vận chuyển đất cũ đi, định vị bầu cây, gông trồng cây và chăm sóc cây tươi tốt).

Việc sử dụng cây Vàng tâm và cây Mỡ làm cây trồng ở đường phố đô thị, tới nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về trồng hai loài cây này ở đường phố đô thị. Do vậy, Viện chưa có cơ sở khoa học để khẳng định cây Vàng tâm và cây Mỡ có phù hợp hay không phù hợp cho trồng cây đường phố đô thị nói chung và trồng tại đường phố Hà Nội nói riêng.

Với những hạn chế, thiếu sót trên, Thanh tra thành phố chỉ rõ trách nhiệm trước hết thuộc Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện, các đơn vị liên quan và lãnh đạo UBND TP trong công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thiếu sát sao, cụ thể.

Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định.

Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua.

Chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như trong Kết luận nêu.

Kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan: Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót đã nêu trong Kết luận.


Quang Phong - Quốc Cường