Tháng 8 sẽ xảy ra nhiều bão mạnh và lũ lớn

(Dân trí) - Từ nay cho đến hết mùa mưa bão 2006 sẽ còn khoảng 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, so với năm ngoái là ít hơn nhưng bão sẽ có tính chất mạnh hơn và mức độ ảnh hưởng cũng lớn hơn.

Bên cạnh đó, khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống luôn tiềm ẩn, nhất là với các vùng núi phía Bắc và đảo Phú Quốc.

 

Sẽ có từ 5- 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới

 

Từ đầu mùa mưa, bão, lũ đến nay, trên biển Đông đã có 3 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và 2 cơn bão. Trong đó có 1 ATNĐ đổ bộ vào bờ biển thuộc tỉnh Quảng Ninh, gây ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 

Cơn bão số 2 (tên quốc tế là BILIS) tuy đi vào địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng hoàn lưu của nó đã ảnh hưởng tới thời tiết ở phía đông Bắc Bộ (ngày 29/6) và vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh.

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, bão sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta nhiều hơn, cùng với một lượng mưa lớn, đẩy lũ trên các sông lên cao, đặc biệt là các sông ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Thời gian trước thì bão và ATNĐ xuất hiện ở biển Đông và chủ yếu đi theo hướng Bắc vào Trung Quốc, nhưng trong tháng 8 này có nhiều khả năng nó sẽ dịch chuyển dần vào hướng Việt Nam và theo thứ tự từ Bắc Bộ xuống Trung Bộ và Nam Bộ.

 

Tính toán của Việt Nam so với các số liệu của các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philipines đều cho kết quả dự đoán tương tự.

 

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút xây dựng hệ thống cảnh bão lũ quét cho người dân sống tại những khu vực thường xuyên và có khả năng xảy ra lũ quét. Hệ thống này hiện đang được lắp đặt thử nghiệm ở Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, sau đó sẽ lắp đặt tới toàn bộ các tỉnh miền Bắc và dự kiến 2 năm sau lắp đặt xong trên các địa phương cả nước. 

 

Hệ thống cảnh báo lũ quét là một hệ thống đo đạc tự động, cụ thể là một cái máy tự động đo mưa, khi mưa đến độ có thể xảy ra lũ quét, máy sẽ phát tín hiệu báo động khẩn cấp để người dân kịp thời sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó là một bản đồ điện tử hướng dẫn về đường đi, lối thoát hiểm và vị trí các tuyến đường giúp người dân di chuyển đến nơi trú ngụ an toàn mỗi khi xảy ra lũ quét.

Xuất hiện đỉnh lũ trên các sông Bắc Bộ

 

Các cơn bão và ATNĐ khi ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ đem theo một lượng mưa lớn, khiến cho mực nước trên các sông lên cao. Tổng lượng mưa theo dự báo trên phạm vi cả nước từ nay đến tháng 10 phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm.

 

Theo TS. Nguyễn Viết Thi - Trưởng phòng dự báo Thủy văn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ), nhiều khả năng đỉnh lũ cũng sẽ xuất hiện trên các sông chính thuộc hệ thống sông Bắc Bộ vào tháng 8; trên các sông ở Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên vào cuối tháng 8 và tháng 9; trên các sông ở Trung Trung Bộ vào tháng 10-11; trên các sông Nam Trung Bộ vào tháng 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lũ quét, lũ ống

 

TS. Nguyễn Viết Thi cho biết, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 trận lũ quét ở vùng núi phía Bắc và phía Tây Bắc Bộ vào các ngày 10/6 ở Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), 18/6 ở Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), ngày 30/6 tại Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong thời gian tới, những hình thái thời tiết cùng địa hình miền núi phức tạp chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra lũ quét, lũ ống.

 

Lũ quét thường có nhiều loại, nhưng dạng lũ phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là lũ quét sườn dốc, xảy ra ở các lưu vực nhỏ, độ dốc từ 20-35%. Trong lũ quét sườn dốc thường có lũ ống (thuật ngữ dân gian) xảy ra ở khu vực có địa hình đá vôi có hang động.

 

Loại lũ ống này thường xảy ra tại khu vực miền núi Hòa Bình, Sơn La, các hang động của Quảng Bình… Bên cạnh đó, nước ta còn tồn tại các loại lũ quét bùn đá, lũ quét do nghẽn dòng, lũ quét do vỡ hồ đập…

 

TS. Nguyễn Viết Thi cảnh báo, lũ quét thường xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng từ 1-3 giờ đồng hồ và khu vực xảy ra lũ quét lúc đó hầu như bị cô lập. Vậy nên, trước khi hệ thống này đi vào hoạt động, người dân sống tại các vùng núi, nơi có nhiều khả năng xảy ra lũ quét cần chủ động phòng tránh mỗi khi mưa đến và cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết để nắm rõ các thông tin.

 

Hiền Linh