“Tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có”

(Dân trí) - “10 năm qua, tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có, quy mô rất lớn khi có những vụ lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, còn tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế tôi cho rằng phải sớm thành lập Ủy ban Điều tra tham nhũng độc lập và có sức mạnh”- Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao đề xuất.


Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng).

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng).

- Tại cuộc họp thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mới đây, ông đã đề xuất thành lập ngay Ủy ban Điều tra tham nhũng để có thể độc lập phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng lớn đang ngày càng diễn biến phức tạp. Đâu là nguyên nhân chính của đề xuất này?

- Tôi đề xuất thành lập Ủy ban Điều tra tham nhũng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng sau 10 năm thi hành. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên có thẩm quyền quyết định về việc đó.

10 năm qua, mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương nhưng thực tế đều hoạt động không hiệu quả. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý.

Đặc biệt là việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm toán, thanh tra, phải có cơ quan áp dụng điều tra đặc biệt để đưa những vụ án đấy ra ánh sáng. Có như vậy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới hiệu quả hơn.

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ xây dựng có đề xuất Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm nhưng chúng ta phải hiểu đó là thành lập, xử lý những vụ án đã bị phát hiện rồi, đã rõ ràng rồi. Điều chúng ta cần là phát hiện và đưa ra xử lý những vụ án tham nhũng ra ánh sáng. Khi vụ án tham nhũng chưa xuất hiện thì Quốc hội khó có thể lập Ủy ban lâm thời được.

Ủy ban Điều tra tham nhũng do tôi đề xuất là cơ quan có thẩm quyền về tố tụng, tư pháp để phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố.

Theo nghiên cứu của tôi, nhiều nước trên thế giới đã có tổ chức này và đạt được nhiều hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan này là người có thẩm quyền rất cao trong bộ máy nhà nước, có đủ uy tín để lãnh đạo, xử lý tội phạm tham nhũng.

- Nhưng chúng ta cũng đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo. Việc thành lập thêm Ủy ban Điều tra tham nhũng có dễ dẫn tới tình trạng chồng lấn công việc, chỉ đạo, điều hành?

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là cơ quan chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo của Đảng cho phương hướng, ý kiến thôi, còn có quyền hạn nhà nước gì đâu. Ủy ban Điều tra tham nhũng này trực tiếp bắt tay vào làm, có quyền hạn, thẩm quyền của một cơ quan nhà nước.

Trên thực tế, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng với rất nhiều ban chỉ đạo, cơ quan ban ngành nhưng đến nay chưa cơ quan nào tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan mình cả. Chúng ta phải có cơ quan ở bên ngoài, có thẩm quyền điều tra đặc biệt, khi có phản ánh hoặc báo chí nêu thì cơ quan đó phải trực tiếp vào làm, chứ cứ để các cơ quan tự phát hiện thì chả có phát hiện nào đâu, không hiệu quả là vì thế.

Từ những năm 2006-2007 khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, tôi đã đề nghị thành lập một ủy ban như thế này rồi. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải thế, chứ hô hào quyết tâm mà không có thiết chế đủ sức thì không thể làm được đâu.

Ủy ban này có thẩm quyền đặc biệt, độc lập trong việc xử lý các vụ án tham nhũng ở mức độ nào đó, những vụ bình thường thì có thể chuyển cơ quan tư pháp bình thường xử lý.

Tôi nghĩ rằng Ủy ban Điều tra tham nhũng cần tập hợp những con người có trình độ, độc lập chứ không phải bao gồm thành viên của các bộ ngành này kia tham gia. Ủy ban đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư hoặc một người có bàn tay sắt, bàn tay sạch quyết tâm chỉ đạo ủy ban này nếu thành lập ra.

- Vậy theo ông đánh giá, những thiết chế, biện pháp mà Thanh tra Chính phủ đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã đủ sức nặng để “phòng” và “chống” tham nhũng trong tương lai?

- Có thể thấy rằng tham nhũng đã “phát triển vượt bậc” trong 10 năm qua. Hầu như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, từ tham nhũng vặt đến quy mô rất lớn, xuất hiện nhiều vụ tham nhũng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nếu chúng ta không chống tham nhũng thành công thì sẽ kìm hãm rất lớn sự phát triển của đất nước và làm giảm niềm tin của nhân dân.

Chúng ta đã hô hào, rồi bày tỏ quyết tâm rồi nhưng giờ phải bắt tay vào thực hiện thực sự. Những điều mà dự thảo luật đưa ra cũng chưa có gì mới, hay đột phá cả, thậm chí có nhiều quy định cũ nên chắc chắc người ta sẽ nghi ngờ về tính khả thi của nó.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)