Hà Nội:

Thả cá, hóa vàng tiễn ông Táo: Vẫn còn nhiều hành vi thiếu ý thức

(Dân trí) - Theo văn hóa dân gian, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt Nam lại làm lễ tiễn ông Công - ông Táo về chầu trời, gửi gắm niềm tin về một năm mới tốt lành sắp tới. Năm nay, lễ tiễn ông Công, táo diễn ra trong thời tiết khô ráo nên ngay từ sáng sớm tại nhiều địa điểm ao hồ ở Hà Nội, không khí thả cá diễn ra khá nhộn nhịp.

Tại Hồ Tây, các địa điểm thả cá luôn có các công nhân vệ sinh môi trường túc trực, hướng dẫn mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Tình trạng xả rác bừa bãi hầu như không còn.

Tương tự, năm nay, tại điểm cầu Long Biên và hồ Hoàn Kiếm, nhiều thanh niên tình nguyện được huy động đứng tại các điểm trên cầu, ngăn chặn việc xả rác vô tội vạ đã diễn ra nhiều năm vào ngày ông Táo về trời.

Túi ni lông đựng cá được các bạn trẻ gom lại, chuyển cá vào thùng nhựa sau đó thả dây đổ cá xuống sông. Vì thế nên tình trạng vứt túi ni lon bừa bãi gần như không còn. Người dân cũng khá ý thức trong việc nghe theo hướng dẫn của các tình nguyện viên.

Trong khi đó, tại khu vực cầu Diễn, một lượng lớn túi nilon vẫn bị người dân vứt tràn lan trên mặt cầu khiến hình ảnh nơi đây trở nên mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.

Phần tro hóa vàng cũng được đổ và thả luôn xuống lòng sông tạo nên một cảnh tượng nhếch nhác và bẩn thỉu.

Hoàng Hồng Vi - trưởng “nhóm cá chép" (Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội) cho biết: “Mục đích tuyên truyền cho người dân là thả cá không thả túi nilon và tro, bàn thờ xuống sông, hồ… để bảo vệ môi trường. Nhiều người mang cá chép ra đây bọn em đã dùng xô có buộc dây thừng và thả xuống từ từ rồi 1 bạn cầm đầu dây thứ 2 giật nhẹ cho xô nghiêng là cá xuống sông được”.

Anh Phạm Văn Liên (SN 1983, ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy công việc của các bạn tình nguyện viên là rất tốt, giúp người dân thả cá được dễ dàng và an toàn hơn. Rác mang ra đây cũng được các bạn thu gom lại nhằm bảo vệ môi trường rất tốt”.

Được biết, đây không phải năm đầu tiên nhóm tình nguyện trên làm công việc này trong dịp tết “ông Công, ông Táo”, mà vài năm trước công việc này cũng đã được thực hiện. Thực sự đây là hành động rất đáng được tuyên dương của các tình nguyện viên, qua đó đã làm thay đổi thói quen thả cá kiêm thả rác nhiều người dân, từ đó đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường.

Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc về một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no. Chính vì thế mà phong tục này vẫn được lưu truyền. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, đi đôi với phong tục tốt đẹp này, nhiều hành động vô ý thức, xả rác bừa bãi đã khiến cho phong tục này mất đi ít nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Giá như người dân không cần sự giúp đỡ của các tình nguyện viên mà mỗi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng thì những tình nguyện viên không phải vất vả trong những ngày này, hình ảnh của Hà Nội và phong tục cúng lễ ông Công, ông Táo cũng chắc chắn sẽ đẹp hơn nhiều.

Tình nguyện viên kiên trì đứng trong gió rét nhắc người dân thả cá đừng tiện tay xả rác.
Tình nguyện viên kiên trì đứng trong gió rét nhắc người dân thả cá đừng tiện tay xả rác.
Khẩu hiệu được đặt khắp cầu Long Biên
Khẩu hiệu được đặt khắp cầu Long Biên
Hướng dẫn người dân ra vị trí có tình nguyện viên hỗ trợ thả cá chép
Hướng dẫn người dân ra vị trí có tình nguyện viên hỗ trợ thả cá chép
Cá chép được tình nguyện viên giúp dân thả xuống sông Hồng an toàn.
Cá chép được tình nguyện viên giúp dân thả xuống sông Hồng an toàn.
Giúp người dân gom rác vào đúng nơi qui định
Giúp người dân gom rác vào đúng nơi qui định
Chiến lợi phẩm của tình nguyện viên là đống rác ở lại.
Chiến lợi phẩm của tình nguyện viên là đống rác ở lại.

 

Trọng Trinh-Hà Trang- Nguyễn Dương