1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tết này đồng bào vùng biên giới Quảng Nam đã có điện

(Dân trí) - Có điện lưới quốc gia là một niềm mong mỏi của bà con dân tộc vùng biên giới huyện Tây Giang, Quảng Nam. Những ngày cuối cùng của tháng Chạp này, hơn 700 hộ đồng bào Cơtu vùng biên giới này đã đón cái tết phấn khởi hơn vì điện lưới quốc gia đã kéo đến nhà.

Hệ thống điện tại các xã Axan, Gari và Ch’Ơm (huyện Tây Giang) được đầu tư từ năm 2009 theo mô hình cấp điện tại chỗ không nối lưới, cấp nguồn từ 2 nhà máy thủy điện nhỏ Axan và Gari. Hai nhà máy này đã xuống cấp, hư hỏng và không vận hành được từ năm 2017, khiến cho việc sử dụng điện của người dân bị gián đoạn.

Điện về vùng cao Quảng Nam

Ngành điện nỗ lực đưa điện về vùng cao, vùng biên giới Quảng Nam

 

Trong những ngày giáp Tết, ngành điện và UBND huyện Tây Giang huy động mọi nguồn lực nhằm đưa điện lưới đến với đồng bào. Những người thợ điện đã làm việc không kể ngày đêm, vượt qua trở ngại do đường sá xa xôi, địa hình núi rừng phức tạp, khẩn trương kiểm tra, thi công các đường dây đấu nối, xử lý các điểm mất an toàn, vận động và phối hợp nhân dân xử lý cây cối trong hành lang tuyến, khôi phục lại lưới điện, sẵn sàng đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Đến đêm 31/1/2019, đã khôi phục 21km đường dây trung thế, đóng điện 11 trạm biến áp, cấp điện cho 706 hộ dân của hai xã Axan, Ga Ri và một số thôn cuối cùng của xã Ch’Ơm cũng như các đơn vị biên phòng, trường học, cơ quan làm việc của 3 xã trong niềm vui tột cùng của cán bộ và nhân dân địa phương.

Điện về vùng cao Quảng Nam

Kéo điện lên xã biên giới Gari, Ch’Ơm của huyện Tây Giang

 

Ch’Ơm là xã biên giới, nằm ở cực Tây xa nhất của tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với Lào. Công trình đưa điện lên xã này gồm 2 đoạn tuyến, đoạn thứ nhất nối từ đường dây trung áp tại xã Lăng lên xã Tr’Hy; đoạn thứ hai nối tiếp từ đường dây trung áp xã Tr’Hy đưa điện đến xã Ch’Ơm.

Công trình lưới điện xã Ch’Ơm gồm hơn 25km đường dây trung áp và hạ áp, 2 trạm biến áp 75kVA, 108 công tơ cấp điện cho người dân xã Ch’Ơm, với tổng mức đầu tư trên 33 tỷ đồng. Công trình khởi công vào ngày 15/8/2016, chỉ 10 tháng sau là tổ chức nghiệm thu kỹ thuật. Ngày 20/7/2018, đã chính thức đóng điện toàn tuyến, cấp điện đến 166 hộ gia đình xã Tr’Hy và 108 hộ của xã Ch’Ơm.

Ông Bríu Nhêêl ở thôn Cha Nốc (xã Ch'Ơm) cho biết, từ ngày có điện ổn định, liên tục, cuộc sống của người dân thay đổi hẳn. Thôn Cha Nốc hiện là khu quy hoạch dân cư mới, được Nhà nước đầu tư điện, hầu hết các hộ đã sắm được tivi, các em học sinh hăng hái học tập hơn khi có ánh sáng điện.

Từ đây, người dân trong thôn giảm đáng kể việc vào rừng lấy củi, bởi việc nấu cơm, đun nước đã được nhiều gia đình dùng bằng đồ điện. Bríu Nhêêl cười tươi: “Người làng Cha Nốc vui lắm, rất biết ơn ngành điện đã vượt qua chặng đường dài, núi rừng phức tạp để “cõng” điện lên cho bà con”.

Điện về vùng cao Quảng Nam

Ánh điện về vùng cao Nam Trà My

 

Ở vùng miền núi phía Tây khác của Quảng Nam là các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My đến mùa đông năm 2018 đã có thêm hơn 1.800 hộ đồng bào ở các bản làng vùng cao hẻo lánh được dùng điện.

Các dự án cấp điện nông thôn tại 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My được đầu tư và triển khai đáp ứng tiến độ kế hoạch cũng như sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân địa phương. Dự án tại huyện Bắc Trà My được đầu tư từ tháng 6/2017, hoàn thành vào tháng 8/2018. Dự án cấp điện lưới cho hơn 650 hộ đồng bào Cor và Ca-dong các thôn nóc thuộc các xã Trà Giang, Trà Bui, Trà Nú, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Đông.

Để hoàn thành mục tiêu này, ngành điện đã xây dựng mới hơn 18,3 km đường dây trung áp 22kV và 35kV, gần 21,5km đường dây hạ áp, 15 trạm biến áp. Dự án có tổng mức đầu tư trên 36,5 tỷ đồng. Ước tính, ngành điện đã đầu tư bình quân trên 56 triệu đồng để đưa điện về một nhà dân là suất đầu tư rất lớn.

Nếu nói để thu hồi vốn từ dự án như thế này là không khả thi. Điều đó cho thấy, việc đầu tư cấp điện đến nông thôn, miền núi nói chung, vùng cao nói riêng không phải là vì mục đích lợi nhuận kinh tế.

Nhưng với đồng bào thiểu số, có điện đồng với nghĩa là sự đổi đời và đó là một mục tiêu ngành điện đóng góp. Ông Hồ Văn Tin (xã Trà Giác) cho biết, người dân nơi đây lâu nay vẫn dựa vào rừng núi để sinh sống. Ban ngày đi làm rẫy, lấy củi, tối đến tụm lại bên bếp lửa một lúc rồi ngủ. Bây giờ có điện về đến tận nhà, nhiều gia đình mua tivi, vừa biết được thông tin thời sự, vừa học hỏi cách làm ăn từ nơi khác.

Việc lên rừng lên rẫy cũng ít hơn trước nhiều. Cán bộ và nhân dân các địa phương miền núi Quảng Nam khát khao chờ ánh điện và họ tích cực hỗ trợ ngành điện để công trình được triển khai thuận lợi.

Ông Lê Văn Thách – Phó Chủ tịch xã Trà Giáp - cho biết: “Để xây dựng đường điện thì bà con đã đồng tình hiến đất. Sau đó, phải tiếp tục vận động bà con hiến cây để đảm bảo hành lang an toàn tuyến đường điện. Cam kết là khi đã giải phóng mặt bằng rồi thì bà con không được trồng cây lâu năm trên hành lang đường điện này. Bà con chỉ được trồng chuối, bắp, khoai để đảm bảo hành lang lâu bền và xuyên suốt cho bà con sử dụng điện”.

Cùng với dự án cấp điện tại huyện Bắc Trà My còn có Dự án cấp điện nông thôn huyện vùng cao Nam Trà My do BQL Dự án điện nông thôn miền Trung triển khai. Dự án cấp điện cho gần 1.300 hộ đồng bào dân tộc Cor, Ca-dong của 10 xã của huyện Nam Trà My là Trà Vân, Trà Vinh, Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Don, Trà Mai, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng. Dự án đã hoàn thành vào tháng 10/2018.

Đặc biệt, cũng tại huyện vùng cao Nam Trà My vào cuối năm 2017 xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng ở làng Khe Chữ, xã Trà Vân. Với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, ngành điện đã nhanh chóng vào cuộc, không quản ngại đường sá lầy lội, dốc cao, vực thẳm để vận chuyển từng cột điện và vật tư bằng phương pháp thủ công để đưa điện đến khu quy hoạch làng Khe Chữ mới.

Chỉ hơn một tháng dầm bùn, đội mưa của những người thợ điện, cuối cùng điện lưới đã về đến hàng trăm căn hộ của làng ngay trước tết Mậu Tuất 2018. Ông Nguyễn Thanh Luận - Bí thư Trà Vân - cho biết: “Bao lâu nay ngóng chờ điện, bây giờ có điện cả làng, cả xã ai cũng rất vui mừng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng có điện là cuộc sống sẽ khá lên. Điện về đến đây là qua rất nhiều gian lao mà”.

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My – chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của ngành điện trong việc vượt khó đưa điện về vùng cao của huyện nhà. Đây là cơ hội để đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tốt để tìm cách thoát nghèo”.

Công Bính