Tàu quân sự của Trung Quốc vẫn đe dọa ở vùng biển Việt Nam

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, gần 80 tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động tại khu vực giàn khoan HD-981, trong đó có 3 tàu quân sự, khoảng 50 tàu công vụ.

Khẳng định chủ quyền

Chiều tối 10/5, Đại tá Ngô Ngọc Thu cho Dân trí biết thêm về tình hình khu vực Trung Quốc đặt giàn trái phép giàn khoan Hải Dương -981 (HD- 981) trong vùng biển của Việt Nam. “Trung Quốc vẫn duy trì từ 70 - 80 tàu ở khu vực giàn khoan Hải Dương -981. Trong số tàu Trung Quốc ở khu vực này có trên 50 chiếc là tàu công vụ và tàu quân sự (3 chiếc), số còn lại là tàu cá được huy động”, Đại tá Thu cho biết.

Tàu quân sự của Trung Quốc vẫn đe dọa ở vùng biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trong vùng biển Trung Quốc đặt hạ giàn khoan HD 981 thuộc thềm lục địa của Việt Nam

Theo Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, hiện nay lực lượng của Việt Nam vẫn đang cố gắng tiếp cận khu vực giàn khoan Hải Dương -981, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dời khỏi vùng biển của Việt Nam.

“Lực lượng của Việt Nam vẫn ở đó để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Khi anh em tìm cách tiếp cận với giàn khoan, phía Trung Quốc cũng tìm mọi cách để ngăn cản”, Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam nói.

Từ ngày 2/5, Trung Quốc đã điều giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập vùng biển Việt Nam ở toạ độ 15o 29’ vĩ bắc 111o 12’ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam gần 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đến ngày 8/5, Trung Quốc đã huy động trên 80 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương -981. Trong đó có 7 tàu quân sự (ghi được số hiệu 3 tàu là Tàu Hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753) cùng 33 tàu Hải cảnh, Hải giám, Ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.

Đồng loạt yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam

Hành động trên của Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Trong đó, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc làm của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên.

Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD -981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh hành động trên của Trung Quốc là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trực tiếp là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đe dọa hòa bình ổn định của khu vực.

Vì vậy, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động ngang ngược, thô bạo của Trung Quốc. Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay và rút hết giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực này vô điều kiện, cùng Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng, chấm dứt các hành động tương tự.

Chiều ngày 10/5, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố: Việc làm trên của Trung Quốc là hành động vi phạm thô bạo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hành động nguy hiểm trên của Trung Quốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông liên quan đến lợi ích các nước Đông Nam Á và thế giới.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD-981 cùng các loại tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Ngày 10/5, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Trước những diễn biến khó lường của tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện tốt đối sách trên biển; giữ vững mục tiêu vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo vừa giữ gìn mối quan hệ với các nước láng giềng đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung lưu ý Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phải làm tốt công tác bảo đảm về kỹ thuật, hậu cần cho các biên đội tàu hoạt động trên biển. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã biểu dương sự tích cực, chủ động của lực lượng Cảnh sát biển; mong rằng trong thời gian tới toàn lực lượng tiếp tục phát huy truyền thống “Kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quang Phong