Tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam chỉ bị nhắc nhở?

(Dân trí) - “Ngư dân chúng ta đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đập phá rất vô nhân đạo. Nhưng hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam chủ yếu chỉ bị xua đuổi và nhắc nhở”, đại biểu Cao Thị Xuân nói.

Ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu để nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát lãm rõ biện pháp bảo vệ ngư dân khi nhiều tàu thuyền bị tàu nước ngoài đập phá, ngư dân bị đánh đập thu ngư cụ.

Nhiều tàu bị Trung Quốc bắt, đập phá vô nhân đạo

Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) băn khoăn, tại sao khi ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, nhiều tàu bị Trung Quốc bắt, đập phá, tịch thu ngư lưới cụ, buộc chuộc tiền, rất vô nhân đạo và trái pháp luật của quốc tế.

Đại biểu Cao Thị Xuân nêu băn khoăn vì việc ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đập phá, vô nhân đạo
Đại biểu Cao Thị Xuân nêu băn khoăn vì việc ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đập phá, vô nhân đạo

Trong khi đó hàng ngàn tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam nhưng số vụ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam còn ít mà chủ yếu chỉ xua đuổi và nhắc nhở. Đại biểu Xuân đề nghị ông Cao Đức Phát cho biết ý kiến về thực trạng trên.

Trước câu hỏi của đại biểu Xuân, ông Cao Đức Phát cho biết, tàu thuyền các nước xâm phạm chủ quyền Việt Nam cũng bị xử lý nghiêm. “Việc làm này hiện nay chủ yếu thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát biển. Tới đây lực lượng Kiểm ngư của Bộ NN&PTNT sẽ tham gia hợp tác, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm nghiêm túc theo luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế”, ông Cao Đức Phát nói.

Liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đại biểu Điểu K` Rứ (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các biện pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam nói chung và của ngư dân nói riêng.

Phúc đáp đại biểu, ông Cao Đức Phát nói rõ việc tàu cá của một số nước xâm phạm vùng lãnh hải của chúng ta, về phía Bộ NN&PTNT có lực lượng Kiểm ngư phối hợp với Cảnh sát biển thường xuyên kiểm tra. Lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển cũng thường xuyên tuần tra, trong nhiều trường hợp đã phát hiện những trường hợp vi phạm và đã có xử lý. 

Ngư dân ra khơi nợ chi phí đèn dầu, đá ướp

Liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nhiều ngư dân khó khăn về kinh tế trước khi ra khơi phải nợ chi phí đèn dầu, đá ướp. Để tính chuyện làm ăn lâu dài thì phải nhập cho các đầu nậu. Trong lúc đó nhiều tỉnh không có cơ sở sản xuất chế biến, không có chợ cá và không có trung tâm đấu giá để trao đổi hàng hóa đúng giá trị.

Trả lời đại biểu, ông Cao Đức Phát nói rõ ngành nông nghiệp cũng đã nhìn thấy vấn đề này và Chính phủ cũng đã có chủ trương. Tại Nghị định 67, Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7 năm 2014 đã có một phần chính sách để hỗ trợ ngư dân, đó là cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất với chủ trương là khi ngư dân chủ động được về vốn từ nguồn của nhà nước thì không bị phụ thuộc về vốn, phải tạm ứng về vật tư, lương thực, thực phẩm khi ra khơi từ thương lái để rồi khi về phải bán sản phẩm cho thương lái trong một số trường hợp bị ép.

Bộ trưởng Cao Đức Phát làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm

Thực hiện Nghị định 67, tới nay cũng đã có nhiều ngư dân đã được vay vốn, với số lượng tổng hợp ban đầu của tôi là đã được vay 23 tỷ đồng và chủ trương này cũng sẽ được tiếp tục. Theo ông Phát vấn đề tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến, trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ.

Theo đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và là một chính sách rất quan trọng nhằm khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống cho ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập, hạn chế, như việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão lũ ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Một số quy định của nghị định còn chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Việc thành lập quản lý tổ, đội hợp tác xã ở các địa phương còn chậm và thiếu chặt chẽ.

“Đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và hướng đến Bộ trưởng sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục những bất cập tồn tại trên nhằm thực hiện chính sách phát triển thủy sản ngày càng mang lại hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân”, đại biểu Cư đề nghị.

Về vấn đề trên, ông Cao Đức Phát cho biết, Nghị định 67 rất đúng đắn, nhưng việc đầu tư, xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền ở các cảng cá còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn các địa phương đăng ký về việc đầu tư, yêu cầu đầu tư xây dựng các cảng cá, các khu neo đậu tầu, thuyền.

Đến nay đã có 211 cảng được đăng ký, 131 khu neo đậu tầu, thuyền, chúng tôi đang huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vay vốn ODA để triển khai thực hiện và đã thực hiện được 83 cảng, 65 khu neo đậu tàu thuyền. “Chủ trương này cần phải làm từng bước, không thể nhanh được”, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Quang Phong – Như Quỳnh