Quảng Nam:

Tất bật “thay áo mới” cho tàu vươn khơi

(Dân trí) - Sau nhiều tháng bôn ba nơi biển lớn, vật lộn cùng sóng dữ, các con tàu cá lại được chủ mang lên bờ để sửa chữa, sơn quét chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới, với mong ước một mùa bội thu.

Những ngày đầu năm, không khí lạnh bắt đầu tràn vào các làng chài, nhưng ở các trường đà thuộc xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn “nóng” như thường lệ.

Thợ làm nước đang kiểm tra lại các chỗ hỏng hóc của tàu để khảm hồ
Thợ làm nước đang kiểm tra lại các chỗ hỏng hóc của tàu để khảm hồ

Từ xa đã nghe thấy tiếng búa, đục, đẽo, tiếng hàn cơ khí… nhộn nhịp cả một làng chài. Những người thợ tay chân lấm sơn, hồ và mùi dầu mỡ, bụi cưa đang hì hục dưới thân tàu quét, chà luôn tay.

Tất bật “thay áo mới” cho tàu vươn khơi - 2
Công việc khảm hồ, “làm nước” cho tàu cần sự cẩn thận, tỉ mi của người thợ, bởi đây là tài sản quý giá của ngư dân
Công việc khảm hồ, “làm nước” cho tàu cần sự cẩn thận, tỉ mi của người thợ, bởi đây là tài sản quý giá của ngư dân

Tại trường đà thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên gồm 4 chủ tàu Trịnh Minh Quang, Nguyễn Dưới, Nguyễn Văn Tý và Nguyễn Quốc Hòa có 24 tàu cá đang được sửa chữa. Những ngày này, công việc sửa chữa, làm mới tàu như tất bật hơn hẳn để chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau Tết.


Ông Hòa đang tỉ mẩn kẻ lại biển hiệu của tàu mình, góp phần thay “áo mới” cho tàu vươn khơi bám biển trong mùa ra khơi mới

Ông Hòa đang tỉ mẩn kẻ lại biển hiệu của tàu mình, góp phần thay “áo mới” cho tàu vươn khơi bám biển trong mùa ra khơi mới

Ngư dân Trịnh Minh Quang (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết: “Sắp đến mùa biển mới nên chúng tôi đưa tàu vào tu sửa cho cứng cáp. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, đối mặt cùng sóng dữ nên toàn bộ tàu phải được kiểm tra, tu sửa lại. Từ việc hãm hồ, quét sơn, thay mới, tu sửa chân vịt cho đến máy móc, thiết bị điện chiếu sáng… biết bao nhiêu là việc”.

Hà biển, một loại vật đáng sợ với sức ăn mòn cao dễ hỏng tàu
Hà biển, một loại vật đáng sợ với sức ăn mòn cao dễ hỏng tàu

Ông Quang cho hay, trước Tết Nguyên đán cũng có một số tàu ra khơi rồi, những tàu còn nằm đây đang chờ tu sửa cho một chuyến đi biển mới. Mấy bữa nay trời đột nhiên chuyển gió, biển động nên phải chờ biển yên mới tiếp tục cho những tàu “thay mới” tiếp tục vươn khơi đánh bắt.

Tất bật “thay áo mới” cho tàu vươn khơi - 6
Theo ông Quang, việc ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển quốc gia
Theo ông Quang, việc ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển quốc gia

Con tàu mang biển hiệu QNa 2178 của ngư dân Nguyễn Quốc Hòa cạnh bên cũng đang được kiểm tra, xem xét lại những chỗ ván hỏng, hà bám nhiều; ông cho biết: “Nỗi đáng sợ nhất đối với mỗi thân tàu là hà biển, chúng bám rất chắc và khả năng ăn mòn cao. Vì vậy mỗi lần lên bờ, chúng tôi phải kiểm tra thật kỹ, loại bỏ tất cả những con hà còn bám dính trên thân tàu, sau đó khảm hồ và sơn quét. Loại sơn được ưa chuộng là sơn của Nhật bởi độ bám dính và độ bền cao. Mỗi lần tu sửa, khoác “áo mới” cho tàu chúng tôi bỏ ra cũng dăm chục triệu đồng, tàu lớn có khi hơn 100 triệu”.

Ông Hòa nói: “Biển cả mà, năm được, năm mất chứ không biết trước được điều gì. Như hồi năm ngoái, khoảng độ chừng tháng 2 chúng tôi dong thuyền đi sát ven biển cũng kéo được khối cá cơm. Đứng trên bờ nhìn xuống thấy nhiều lắm, vụ đó nhiều chủ tàu lời cả trăm triệu đồng. Mùa biển cũng sắp bắt đầu nên phải tu sửa lại con tàu cho “ngon” để ra khơi chào đón một mùa biển mới”.

Bơm nước ngọt lên tàu, chuẩn bị mùa biển mới
Bơm nước ngọt lên tàu, chuẩn bị mùa biển mới

Đang khảm hồ lại cho chủ tàu, anh Lê Văn Tâm – một thợ ở đây - cho biết: “Công việc này cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu mỗi ghe tàu là một tài sản quý của ngư dân, tàu thuyền phải đảm bảo kỹ thuật và an toàn thì mới an tâm bám biển. Nhiều chuyến ra khơi kéo dài hàng tháng trời, cần phải có độ vững chắc cao, chỉnh chu từng chi tiết.

Thợ điện đang kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng của tàu
Thợ điện đang kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng của tàu

Tại trường đà của ông Lê Văn Lưu cũng đang tất bật cảnh sửa chữa, “làm nước” cho tàu; ông cho biết: “Công việc “làm nước” cho mỗi tàu thường là 6 tháng/lần, hết tàu này ra khơi thì tàu khác lại cập bến “làm nước”. Đặc biệt cứ đầu năm mới là công việc tất bật hơn hẳn, việc bắt đầu từ trước Tết cứ làm dần đến sau Tết để ngư dân lại chuẩn bị ra khơi cho một mùa biển mới.

Sau khi thợ khảm hồ đã làm xong là đến việc quét sơn lại vỏ tàu, đảm bảo vững chắc, hạn chế mức ăn mòn thấp nhất cho tàu
Sau khi thợ khảm hồ đã làm xong là đến việc quét sơn lại vỏ tàu, đảm bảo vững chắc, hạn chế mức ăn mòn thấp nhất cho tàu

Bao đời nay, cứ sắp bước vào mùa biển mới, ngư dân lại đưa tàu lên bờ tu sửa, nâng cấp "làm nước" cho tàu như thông lệ. Bởi, họ luôn quan niệm, tàu là nhà, ra khơi trong mùa biển mới phải sơn sửa, nếu có điều kiện thì nâng cấp, đóng mới như ngôi nhà của mình trước khi đón Tết, đón một năm mới, với hy vọng làm ăn thuận lợi và may mắn.

Thợ mộc đang đục loại bỏ những lớp hồ cũ, chỗ mối mọt để khảm hồ lại và sơn mới
Thợ mộc đang đục loại bỏ những lớp hồ cũ, chỗ mối mọt để khảm hồ lại và sơn mới

Nhiều tàu đang chờ “làm nước” chuẩn bị cho chuyến biển mới
Nhiều tàu đang chờ “làm nước” chuẩn bị cho chuyến biển mới

Tàu đã được “làm nước” sẵn sàng vươn khơi bám biển
Tàu đã được “làm nước” sẵn sàng vươn khơi bám biển

Tất bật “thay áo mới” cho tàu vươn khơi - 14

N.Linh-C.Bính