1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ cháy xưởng may, 13 người chết:

Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng

(Dân trí) - Mưa tầm mưa tã nhạt nhòa nước mắt của những người dân quê mảnh đất Tân Dân - An Lão thuần phác. Nén nhang thắp cho người xấu số cũng phập phù cháy dở giữa màu tang tóc của những nấm mộ mới phủ đầy vòng hoa trắng thê lương.

Có mặt tại xã Tân Dân - An Lão sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng trong khi cơn bão số 3 đang thốc gió giần giật đòi bật tung những mái tôn nhà, đâu đâu, không khí tang thương bao trùm khắp nơi đây. Hơn 10 người trẻ tuổi phút chốc bị thiêu sống trong đám lửa hung tàn là con cháu anh em, là người thân thiết ruột thịt, là họ hàng làng xóm của tất cả những người ở lại.

 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 1
Xe tang đẩy vội vào một ngõ nhỏ đưa người xấu số về nơi an nghỉ.
 
Dưới những cơn mưa tầm tã bất chợt, những tiếng khóc chợt xé tan từng ngõ nhỏ. Có mặt tại gia đình nạn nhân Lê Thị Hồng, 49 tuổi, PV Dân trí thắp nén hương lên bàn thờ mới lập còn nghi ngút khói của chị, trao tới gia đình chị chút quà động viên tinh thần những người thân ở lại mà chúng tôi cũng không thể cầm lòng bởi gia cảnh quá tang thương của chị.
 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 2
Bàn thờ chị Lê Thị Hồng lập vội nghi ngút khói hương đặt cạnh bàn thờ con trai.

Thẫn thờ tiếp chuyện chúng tôi, anh Dương Văn Chiên, chồng chị Hồng cho biết vợ chồng anh lấy nhau đã được hơn hai chục năm. Ngần ấy năm là ngần ấy thời gian một mình chị làm lụng nuôi chồng nuôi con. Hai anh chị sinh được hai người con thì không may con thứ hai bị dị tật bẩm sinh, nằm liệt giường, vô hồn đã ngót hai mươi năm.

Niềm an ủi duy nhất của anh chị và cũng là đôi vai cùng chị gánh vác làm lụng nuôi em nuôi bố là con trai đầu Dương Văn Chiến (SN 1988). Nhưng một tai nạn xe máy bất ngờ đã khiến con trai đầu của anh chị mãi mãi không trở về. Nghĩ về người vợ hiền tần tảo, anh Chiên lại ầng ậc khóc. Anh bảo sau ngày con trai đầu mất, ban ngày chị phải làm quần quật bằng hai lần ngày trước, ban đêm chị nằm chong mắt đến sáng.
 
 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 3
Căn nhà xưởng tan tác sau ngọn lửa thiêu chết 13 công nhân.
 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 4
Người dân Tân Dân còn chưa hết bàng hoàng về thảm họa.

“Tôi bệnh tật đầy người, không làm được việc gì chỉ quanh quẩn vào ra. Một tay vợ gánh vác cả gia đình. Thương vợ mà cũng chẳng biết làm sao. Ai ngờ, tai nạn đổ ập xuống. Cứ nghĩ đến thời khắc vợ tôi quằn quại trong ngọn lửa thiêu đốt đến chết là tôi đau đớn không chịu nổi”, anh Chiến lặng lẽ nói.

Cũng tử nạn trong ngọn lửa dữ, chị Phạm Thị Nhật (SN 1979) đã được người thân tổ chức an táng. Cả gia đình chị còn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của chị. Cháu Phạm Quang Khánh mới 11 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau khi phải đứng bên bàn thờ mẹ.

Bác Phạm Văn Trung, bố đẻ chị Nhật chia sẻ thêm về hoàn cảnh riêng éo le của chị. Lấy chồng mà không trọn vẹn, chị mang theo con trai về nhà bố mẹ đẻ xin một góc đất nhỏ làm lụng nuôi con. Nhưng con trai chưa lớn mà chị đã không còn nữa.  

Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 5
Bạn bè và người thân đau đớn tiễn đưa chị Phạm Thị Nhật về nơi an nghỉ cuối cùng.
 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 6
PV Dân trí  có mặt chia sẻ với nỗi đau, nỗi mất mát với thân nhân gia đình người bị nạn.

Trong số 13 con người xấu số bị cướp đi sinh mạng trong ngọn lửa dữ thì có đến 6 nạn nhân còn chưa lập gia đình, có người đang mang bầu chưa kịp hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ và có người ra đi khi còn bộn bề bao nỗi lo toan cho những đứa con thơ dại bơ vơ từ nay thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ.

Cũng chưa bao giờ, nghĩa địa Tân Dân lại tang tóc đến như thế. Những ngôi mộ nối những ngôi mộ mới. Vòng hoa trắng lẫn vào khăn tang trắng. Mưa cứ tuôn xối xả khiến nén hương thắp cho người xấu số cũng phập phù cháy dở. Gió vẫn cứ thốc xối xả từ biển vào giữa xóm nghèo đang phải oằn mình chịu đại tang.

 
Tang tóc phủ trắng xã nghèo đất Cảng - 7
Thê lương những vòng hoa tang tóc phủ trắng nghĩa địa Tân Dân.

Tại buổi làm việc với PV Dân trí, ông Phạm Huy Đảm - Phó chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Vụ tai nạn kinh hoàng và bất ngờ để lại nỗi đau quá lớn với những người đã khuất, với những người ở lại. Chưa bao giờ chúng tôi phải chịu một “huyện tang” đau đớn đến như vậy. Việc tổ chức tang lễ cho các nạn nhân cũng được chúng tôi cố gắng thực hiện một cách chu đáo nhưng cũng khẩn trương để đỡ đau lòng nhất. Theo nghi thức truyền thống, chúng tôi không tổ chức lễ truy điệu tập thể mà bàn giao nạn nhân để các gia đình tổ chức cho thân nhân của mình.

Cũng ngay sau vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi đã thành lập ban tiếp nhận những chia sẻ và những hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần của những tấm lòng hảo tâm hỗ trở các nạn nhân vụ hỏa hoạn. Hiện tại còn 25 nạn nhân bị thương đang điều trị tại các bệnh viện, nhiều trường hợp cũng hết sức nguy kịch và khó khăn rất cần đến sự chia sẻ của cộng đồng. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thực sự mong muốn tinh thần “lá lành đùm lá rách” được phát huy để phần nào giúp những người đã ra đi và những người ở lại nguôi bớt nõi đau này”.
 

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

Vụ cháy làm chết 13 người, 25 người bị thương trong tình trạng bỏng nặng, sức khỏe rất nguy kịch lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhìn vào nhà xưởng với diện tích sàn chỉ có 100 m2 (4 x 25 m), vừa bằng một căn nhà ống bình thường, không ai nghĩ lại có thể để xảy ra chết quá nhiều người như vậy nếu như trước đó người ta đã chú ý đến công tác PCCC.

Nếu như đó là một căn nhà xây để ở thì việc chỉ có một cửa ra vào có lẽ là chuyện bình thường. Đây lại là một xưởng may gia công, chứa toàn vật liệu dễ cháy, với gần 50 con người thường xuyên làm việc trong đó mà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là cửa ra vào thì cần phải xem xét lại về ý thức và trách nhiệm của chủ cơ sở may và cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại.

Luật PCCC ra đời đã được 10 năm với quy định PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đã có người cho rằng nếu tuân thủ đầy đủ theo quy định của cơ quan chức năng về PCCC thì họ phải tốn kém trong việc trang bị các phương tiện PCCC, phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì phương tiện và diễn tập PCCC. Thật ra chẳng có gì là thừa. “... Anh Huân ở xã Tân Dân, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào: “Tôi tiến đến sát cửa sổ phía sau, nghe vợ tôi mắt thất thần nhìn tôi, gào lên “anh ơi cứu em!” mà tôi không thể làm gì nổi…”. Nhiều người dân bên ngoài đành bất lực đứng nhìn những nạn nhân bên trong bị lửa thiêu cháy”. Có ai mà chẳng đau lòng khi đọc những dòng chữ này trên mặt báo.

Sau vụ cháy thương tâm trên, chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Công Thương rà soát khẩn cấp toàn bộ các xưởng “chui” trong dân. Rõ ràng nếu công tác rà soát, kiểm tra được tiến hành chặt chẽ ngay từ đầu thì đã không xảy ra bi kịch.

Người dân có quyền đặt câu hỏi là một cơ sở may dù diện tích không lớn nhưng với lượng công nhân gần 50 người thường xuyên ra vào xưởng làm việc trong gần một tháng mà tại sao địa phương không hay biết? Hay họ biết nhưng đã bỏ qua các bước phối hợp kiểm tra về an toàn PCCC? Cần nên hiểu bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần với một bất cẩn nhỏ trong công tác PCCC thôi cũng có thể để xảy ra những hậu quả đau lòng như vụ cháy ở Hải Phòng ngày 29-7. Tại sao chúng ta cứ để mất bò mới lo làm chuồng?

Theo Nhẫn Nam
Pháp luật TPHCM

Anh Thế - Quốc Đô