Tăng thẩm quyền Thủ tướng, thêm công cụ xử lý cán bộ bị kỷ luật

(Dân trí) - Từ 1/7/2020, hàng loạt chính sách pháp luật mới chính thức có hiệu lực thi hành…

Chiều 16/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 luật, bộ luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm:

Bộ luật Lao động;

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

Luật Lực lượng dự bị động viên;

Luật Dân quân tự vệ;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Luật Thư viện;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sửa dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước;

Luật Chứng khoán;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng thẩm quyền Thủ tướng, thêm công cụ xử lý cán bộ bị kỷ luật - 1
Chánh Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo công bố luật.

Cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành nhằm phù hợp với với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh…

Luật gồm 8 chương, 52 điều, trong đó có nhiều điểm mới đối với công dân như quy định quyền và nghĩa vụ của công dân; không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu.

Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần thứ hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện, không đặt vấn đề còn hay hết hạn; công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người.

Người trên 14 tuổi được lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử hoặc không; luật hoá việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy…

Quy định về giấy tờ xuất, nhập cảnh nêu quy trình cụ thể với các loại hộ chiếu: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cho người trên 14 tuổi có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp hoặc không gắn chíp điện tử, người dưới 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử; cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, có thời hạn không quá 12 tháng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Không truất lương hưu cán bộ bị kỷ luật 

Đây là nội dung được tập trung thể hiện trong luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi 28/86 điều) và Luật Viên chức (sửa đổi 15/62 điều).

Luật điều chỉnh quy định về công chức và áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác; chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ; tuyển dụng công chức; nâng ngạch công chức; đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức; kỷ luật cán bộ, công chức.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung 4 nội dung lớn của luật Viên chức là: đánh giá viên chức, thời hiệu, thời gian xử lý kỷ luật viên chức, xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Tăng thẩm quyền Thủ tướng, thêm công cụ xử lý cán bộ bị kỷ luật - 2
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao đổi về những điểm mới được quy định về cán bộ, công chức, viên chức.

Luật không quy định hình thức truất lương hưu vĩnh viễn đối với cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, nhưng sẽ “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” dù có nhiều ý kiến trước đó đề nghị truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” được quy định để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Ngoài ra, để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Tăng thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bố cục gồm 4 điều. Cụ thể, Điều 1 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ với 3 nội dung chính: về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, luật bổ sung một số quyền cho Thủ tướng. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ có thêm thẩm quyền: Chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; hành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Điều 2 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 7 nội dung: về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt; tổ chức HĐND; bổ sung thẩm quyền HĐND cấp xã; bổ sung quy định UBND cấp xã; bộ máy giúp việc chính quyền địa phương; trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri. Điều 3 về điều khoản thi hành và Điều 4 về điều khoản chuyển tiếp.

Điều 7 của luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng điều kiện có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, tức là có thể là người mang nhiều quốc tịch nhưng trong đó phải có quốc tịch Việt Nam.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Thái Anh