Tăng phạt vi phạm giao thông, 2 tuần, 38 người được "cứu" khỏi tai nạn

(Dân trí) - Thông tin được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an nêu ra sau 2 tuần triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho thấy tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí trong những ngày qua.

Tăng phạt vi phạm giao thông, 2 tuần, 38 người được cứu khỏi tai nạn - 1

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Trường).

“Cứu” được 38 người sau 15 ngày triển khai Nghị định 100

Chiều 16/1, tại buổi họp báo thông tin về việc triển khai Chỉ thị vừa ban hành của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, sau 2 tuần triển khai Nghị định mới, số trường hợp tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Máy đo nồng độ cồn chưa qua kiểm định cho kết quả không chính xác

Trả lời câu hỏi về báo chí về việc trên thị trường xuất hiện nhiều máy đo nồng độ cồn do người dân tự trang bị khi kiểm tra lại cho kết quả “khác” máy đo của lực lượng CSGT, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thiết bị của lực lượng được sử dụng theo quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP về thiết bị nghiệp vụ phát hiện vi phạm hành chính về giao thông.

“Các loại máy đo được bán trôi nổi trên thị trường nếu chưa được kiểm định nguồn gốc, xuất xứ sẽ cho kết quả không chính xác” - Thiếu tướng Đức cho hay.

“Từ ngày 1/1 đến ngày 15/1 đã xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông đã giảm 31 vụ, tương đương giảm 8,8%; giảm 38 người chết, tương đương giảm 13,2% và giảm 57 người bị thương, tương đương giảm 26,5%. Chúng ta đã “cứu” được 38 người. Đây là kết quả hết sức vui mừng” - Thiếu tướng Đức nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, công tác nắm tình hình tại các bệnh viện cho thấy, số trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm.

Điều này cho thấy, người điều khiển phương tiện giao thông đã có sự cân nhắc về mức phạt cao. Cùng với việc nhận thức về nguy cơ gây tai nạn tiềm ẩn cho người tham gia giao thông khác, ý thức của mỗi người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt.

Về kết quả công tác xử lý vi phạm, Thiếu tướng Đức cho biết ,sau 2 tuần, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng.

Trong đó, lực lượng phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Tăng phạt vi phạm giao thông, 2 tuần, 38 người được cứu khỏi tai nạn - 2

Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Ảnh: Nguyễn Trường).

Bên cạnh đó, trách nhiệm của người thi hành công vụ cũng được nâng lên. Thời gian vừa qua, Cục CSGT chưa tiếp nhận bất cứ phản ánh nào về tiêu cực của các cán bộ chiến sĩ CSGT.

“Đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, ngoài xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm giao thông còn bị thông báo về cơ quan để xử lý theo Luật Công chức, viên chức… Lực lượng CSGT sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khi ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 100” - Thiếu tướng Đức khẳng định.

“Mở đường” cho quy định phòng chống tác hại của rượu, bia

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ sự ngạc nhiên trước hiệu quả mà Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP mang lại.

“Tôi không ngờ tác động của luật có giá trị tức thời như vậy khi có hiệu lực” - ông Quang chia sẻ.

Ông Quang so sánh, theo số liệu thống kê trước đó, tổng mức sử dụng rượu, bia ở nam giới (độ tuổi trên 15 tuổi) đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới.

Tăng phạt vi phạm giao thông, 2 tuần, 38 người được cứu khỏi tai nạn - 3

Hình ảnh lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tỉ lệ trẻ hóa sử dụng rượu bia rất nhanh. Khi họ chưa trưởng thành về thể chất, tinh thần đã bị rượu, bia gây ảnh hưởng khi sử dụng. Tác hại khi sử dụng rượu, bia là 1 trong 4 nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm, trong đó có tai nạn giao thông.

“Nghị định 100/2019/NĐ-CP là nghị định "mở đường" nghiêm khắc nhất nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục, răn đe” - ông Quang đánh giá.

Chia sẻ về số trường hợp nhập viện điều trị trong năm vừa qua, đại diện Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, khoảng 75% các ca cấp cứu hàng ngày liên quan đến tai nạn giao thông. Trong đó, gần 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này cho thấy tác hại của rượu, bia đối với người dân.

Khi Luật và Nghị định mới đi vào đời sống, theo đại diện Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tỉ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong cơ thể phải nhập viện điều trị đã giảm 10%.

Đặc biệt, các trường hợp tai nạn gia thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm hẳn. Đây thực sự là tín hiệu tốt cho toàn quốc, cho nền kinh tế và người dân khi tham gia giao thông.

Hơn 6.000 tài xế "ma men" nhận phạt 21 tỷ đồng sau 2 tuần siết lỗi "nồng độ cồn"

Báo cáo của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, sau hai tuần Nghị định 100/2019 có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 49,7 tỷ đồng. Trong đó, có 6.279 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, bị phạt tiền 21 tỷ đồng.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 trường hợp, Thanh Hóa 379 trường hợp, Tây Ninh 341 trường hợp, Đồng Nai 327 trường hợp, Đắk Lắk 2140 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 209 trường hợp, Long An 203 trường hợp, Thừa Thiên Huế 135 trường hợp, Vĩnh Phúc 180 trường hợp, Hà Nội 136 trường hợp, Bình Dương 159 trường hợp, Bình Định 176 trường hợp, Cần Thơ 124 trường hợp, Nghệ An 182 trường hợp, Phú Yên 115 trường hợp... 

Tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bao gồm: Đồng Nai 118 trường hợp, Long An 115 trường hợp, Bình Dương 93 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 70 trường hợp, Bắc Ninh 68 trường hợp, Thanh Hóa 63 trường hợp, Trà Vinh 63 trường hợp, Bắc Giang 54 trường hợp…

Đáng chú ý, lực lượng CST đã xử lý nhiều công chức vi phạm về lỗi này. Điển hình như tại Thái Bình, CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, lực lượng đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và hiện nay, Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.

Đặc biệt, có ba địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nội) đã xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài vi phạm.

Đây là điểm mới khi thực hiện Nghị định 100/2019 so với Nghị định 46/2016 trước đây.

Cũng theo Cục CSGT, ngay khi Nghị định 100/2019 được ban hành, đơn vị đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện.

Trong đó, Cục chỉ đạo PC08 công an các tỉnh/thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường. 

Đến nay, các nỗ lực trong công tác tuyên truyền của Cục CSGT đã tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ về tác động của Nghị định 100/2019, nhất là việc quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cùng với đó, hình ảnh lực lượng CSGT chủ động, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, vì an toàn giao thông, bình yên trên những tuyến đường cũng được phản ánh rất kịp thời.

Trần Thanh

Nguyễn Trường