TAND Tối cao muốn dựng tượng các cố Chánh án trong khuôn viên trụ sở mới

(Dân trí) - Dự kiến tượng các cố Chánh án TAND Tối cao được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối), chân đế tượng được làm bằng đá tự nhiên. Kích thước tượng dự kiến cao 2,2m.

Theo thông tin từ Văn phòng TAND Tối cao, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao, số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội), còn xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án TAND Tối cao.

Hội đồng nghệ thuật dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao các thời kỳ đã họp thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo về nội dung, yêu cầu về mỹ thuật, nghệ thuật tượng; về kiểu, loại tượng; chất liệu, kích thước, vị trí đặt tượng và phương án tổ chức sáng tác mẫu phác thảo.

TAND Tối cao muốn dựng tượng các cố Chánh án trong khuôn viên trụ sở mới - 1

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường giới thiệu về 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông và tượng bán thân cố Chánh án TAND Tối cao (Ảnh: Thế Kha).

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng nghệ thuật, TAND Tối cao đã mời nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường- nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) sáng tác 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Hình ảnh và thuyết minh các mẫu phác thảo đã được gửi tới tòa án các cấp để lấy ý kiến góp ý.

Theo kế hoạch ban đầu, việc xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông đặt tại Quảng trường Công lý sẽ nằm trong gói dự án xây dựng mới trụ sở TAND Tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp chiều 28/4, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu xây dựng tượng thì cán bộ, công chức ngành toà án sẽ đóng góp kinh phí.

Liên quan đến việc nhiều ý kiến đề nghị không nên ghi tên là “Vua Lý Thái Tông - Biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam” mà chỉ nên ghi là “Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam” với lý do không nên chọn một nhân vật lịch sử làm biểu tượng cho công lý Việt Nam, Văn phòng TAND Tối cao đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo trình Hội đồng nghệ thuật.

Đáng chú ý, Văn phòng TAND Tối cao cho biết, đa số các ý kiến góp ý nhất trí với phương án xây dựng tượng các cố Chánh án TAND Tối cao là tượng bán thân dáng đứng, có chân đế.

Dự kiến tượng và khối phụ trợ được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối), chân đế tượng được làm bằng đá tự nhiên. Kích thước tượng dự kiến cao 2,2m (bao gồm cả tượng, khối phụ trợ và chân đế; trong đó phần chân đế dự kiến cao 1,2m).

TAND Tối cao muốn dựng tượng các cố Chánh án trong khuôn viên trụ sở mới - 2

Phối cảnh vị trí đặt tượng vua Lý Thái Tông và tượng các cố Chánh án TAND Tối cao trong khuôn viên trụ sở mới của TAND Tối cao tại số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

4 cố Chánh án TAND Tối cao gồm các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Thế Kha