TAND Tối cao ban hành án lệ về di chúc định đoạt giá trị bồi thường

(Dân trí) - TAND Tối cao vừa ban hành Án lệ số 34/2020 về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường.

Nguồn án lệ số 34/2020 là Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Y. với bị đơn là Phòng công chứng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D1.

Hồ sơ vụ án cho thấy, cụ Nguyễn Văn D. và cụ Nguyễn Thị C. chung sống với nhau từ năm 1957 nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1959, cụ D. mua thửa đất tại địa phương này, sau đó đổi cho hợp tác xã để lấy thửa ruộng. Khoảng năm 1969-1970 cụ D. chung sống với cụ H. và sinh ra ông Nguyễn Văn D1.

Đến cuối năm 2009, cụ C. lập di chúc với nội dung để lại một phần tài sản là bất động sản nêu trên cho con trai là ông Nguyễn Văn D1. Tháng 1/2011, cụ D. lập di chúc tại Phòng công chứng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với nội dung để lại phần tài sản của mình tại thửa đất nêu trên cho ông D1; khi nhà nước thu hồi, bồi thường bằng tái định cư (hoặc nhận tiền) và bồi thường tài sản trên đất thì ông Nguyễn Văn D1. được đứng tên, nhận tiền.

Sau khi cụ D. và cụ C. chết, tháng 1/2011 Phòng công chứng có văn bản công bố di chúc với mảnh đất nói trên.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Y. lại cho rằng ông đã mua mảnh đất nói trên của cụ C. từ năm 1987, đến năm 1989 thì hai bên lập giấy bán nhà và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cho rằng việc phòng công chứng công chứng di chúc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình mình, nên ông Y. đã khởi kiện yêu cầu toà án tuyên bố các văn bản công chứng di chúc là vô hiệu.

TAND Tối cao ban hành án lệ về di chúc định đoạt giá trị bồi thường - 1

(Ảnh minh hoạ).

Đã huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm nhưng 2 năm chưa xử lại

TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, thửa đất là tài sản chung của cụ C. và cụ D. nhưng các tài liệu do ông Trần Văn Y. xuất trình thể hiện chỉ có cụ C. chuyển nhượng cho ông Y. mà chưa có ý kiến của cụ D.

Trường hợp chỉ có cụ C. tự ý định đoạt tài sản chung của hai cụ mà không có đồng ý của cụ D. thì phải xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng giữa cụ C. và ông Y.

Quá trình giải quyết vụ án, toà án cấp sơ thẩm và toà án cấp phúc thẩm (tỉnh Vĩnh Phúc) chưa xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ do ông Trần Văn Y. cung cấp và đánh giá hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Y. và cụ C. Từ đó 2 cấp toà tuyên bố các văn bản di chúc này vô hiệu là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn D1.

Ngoài ra, theo án lệ của TAND Tối cao, di sản của cụ D., cụ C. để lại là quyền sử dụng đất đã bị thu hồi, nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên 2 cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản cho ông Nguyễn Văn D1.

Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần xem xét đồng thời giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán nhà, đất giữa ông Trần Văn Y. với cụ Nguyễn Thị C. và tính hợp pháp của bản di chúc do cụ D., cụ C. lập, cũng như văn bản công bố di chúc mới giải quyết được triệt để vụ án và bảo đảm quyền, lợi ích của các đương sự.

TAND Cấp cao tại Hà Nội đã huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 23/2015 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và bản án sơ thẩm số 10/2014 của TAND thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND Thành phố Vĩnh Yên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

TAND Tối cao ban hành án lệ về di chúc định đoạt giá trị bồi thường - 2

Trụ sở TAND thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phản ánh với báo chí, ông Nguyễn Văn Dương (trú tại Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên) cho biết mình chính là Nguyễn Văn D1. trong án lệ nói trên của TAND Tối cao. Việc UBND thành phố Vĩnh Yên ban hành quyết định giao đất tái định cư cho ông Trần Văn Y. là không đúng pháp luật khi vụ việc tranh chấp đang trong thời gian được TAND Cấp cao tại Hà Nội thụ lý giải quyết.

“Dù kháng nghị huỷ 2 bản án của TAND Cấp cao đã ban hành 2 năm rồi nhưng TAND thành phố Vĩnh Yên cũng chưa đưa ra xét xử lại, gây ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của gia đình tôi”-ông Dương bức xúc.

Cơ sở để các thẩm phán áp dụng trong trường hợp tương tự

Án lệ là bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự.

Trường hợp mà điều luật quy định không rõ, không đầy đủ thì án lệ là sự giải thích, bổ sung. Về nguyên tắc, án lệ không được coi là pháp luật nhưng do uy tín của toà án cao cấp, hoặc ở trường hợp có thiếu sót của luật thì án lệ trở thành căn cứ cho hoạt động xét xử của các tòa án đối với các vụ án tương tự.

Thế Kha