1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Tâm sự của bác nông dân nhờ CSGT trả lại chiếc ví nhặt được

(Dân trí) - "Với người đánh mất, số tiền đó có khi là cả cuộc đời, là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Nghĩ vậy nên tôi muốn trả lại kẻo tội người ta” - Bà Sửu, người đã vẫy xe CSGT nhờ trả lại chiếc ví chứa gần 10 triệu đồng nhặt được, chia sẻ.



Chiều 3/7, chúng tôi tới xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để gặp bà Sửu - bác nông dân nghèo “chặn” xe cảnh sát giao thông nhờ trả lại ví tiền nhặt được. Anh Xuân, cán bộ đội tuần tra cảnh sát giao thông phía nam Hà Tĩnh thông tin, bà Sửu phụ bếp cho một nhà hàng ở cách chân Đèo Ngang chừng vài cây số.

Khi chúng tôi tới nhà hàng này, một nhóm nhân viên nhà hàng cho biết bà Sửu đang rửa chén bát dưới nhà bếp. Những người này cho biết bà Sửu là người chất phác, tốt bụng, làm việc chăm chỉ, được chủ nhà hàng và anh em nhân viên ở đây rất quý mến.

Tôi đi thẳng xuống nhà bếp theo chỉ dẫn của một nhân viên nhà hàng. 4h chiều, trời nóng hầm hập, bà Sửu vẫn lụi cụi với đống bát đĩa; đôi tay không ngưng nghỉ, hết gom thức ăn thừa vào chậu lại bê nồi, rửa bát đĩa... Có cảm giác lưng bà như muốn khuỵu xuống bởi công việc bắt bà phải cúi cả ngày.

Bà Sửu ngày ngày rửa chén bát thuê kiếm sống

Bà Sửu ngày ngày rửa chén bát thuê kiếm sống  

Nghe tôi nói đến câu chuyện bà nhặt được ví tiền, nhờ tổ tuần tra CSGT tìm người đánh mất trả lại, bà Sửu nói rằng gia đình bà dù nghèo, dù chồng đang ốm đau bệnh tật, nhưng bà không cho phép mình làm chuyện trái với lương tâm. “Khi nhặt được ví, mở nó ra tui thấy có rất nhiều tiền và nhiều giấy tờ trong đó. Tui nghĩ ở đời cái tình là quan trọng nhất, số tiền ấy đúng là lớn với tui thật, nhưng tiền nhiều mấy tiêu ít bữa rồi cũng hết thôi. Mà trong ví còn bao nhiêu giấy tờ của họ nữa. Với tui những thứ giấy tờ ấy không có ý nghĩa chi cả, nhưng với người đánh mất có khi là cả cuộc đời người của họ, là miếng cơm manh áo của họ. Nghĩ vậy nên khi nhặt được ví tui nhờ mấy bác công an tìm trả lại kẻo tội người ta” – bà Sửu nói.

Bà Sửu

Bà Sửu: "Tui nghĩ ở đời cái tình là quan trọng nhất. số tiền ấy đúng là lớn với tui thật, nhưng tiền nhiều mấy tiêu ít bữa rồi cũng hết thôi"

Hỏi bà Sửu khi tài xế đánh rơi quay trở lại nhận giấy tờ, họ có liên lạc gì với bà không, người phụ nữ nghèo tốt bụng kể: “Buổi chiều 2/7, khi tui đang rửa bát thì mấy chú cảnh sát giao thông dẫn anh tài xế đến gặp. Gặp tui chú ấy liên tục cảm ơn rồi xin biếu tui một ít tiền nhưng tui không nhận. Chú ấy cũng hoàn cảnh lắm, cảnh đi lái xe thuê tiền đâu mà đưa cho tui”.       

Cuối ngày, tôi lại theo chân bà Sửu về xóm Minh Thành, tận mắt chứng kiến gia cảnh nghèo khó của người phụ nữ tốt bụng. 

Vợ chồng bà Sửu sống trong căn nhà mượn tạm của một người dân.

Vợ chồng bà Sửu sống trong căn nhà mượn tạm của một người dân.

Vợ chồng bà Sửu có 2 người con đã lập gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, vợ chồng bà phải nhường lại ngôi nhà nhỏ cho gia đình đứa con trai đầu lòng, vợ chồng bà mượn tạm nhà của một gia đình đã chuyển vào Nam sinh sống để ở nhờ. Đất đai sản xuất ít ỏi, cằn cỗi, không có lương hưu, hai vợ chồng bà ngày ngày đi làm thuê kiếm sống. Mấy hôm liền ông Trước chồng bà không đi làm, ở nhà vừa làm vườn vừa sắc thuốc điều trị chứng bệnh dạ dày.

Vợ chồng bà Sửu ông Trước sống trong căn nhà nhỏ thiếu thốn nhưng rất tình cảm

Vợ chồng bà Sửu ông Trước sống trong căn nhà nhỏ thiếu thốn nhưng rất tình cảm

Điều làm tôi ấm lòng là sống trong căn nhà mượn tạm thiếu thốn đủ bề, nhưng vợ chồng bà rất tình cảm, nụ cười cứ thường trực trên môi. Ông Trước nói ông không bất ngờ trước hành động đẹp của vợ. Hàng chục năm chung sống với bà tui hiểu tính cách bà ấy. Bà sống rất tốt, thật thà, hiền từ với mọi người. Hôm được ví rồi giao cho công an bà ấy có điện thông báo cho tôi biết. Tôi có nói bà làm như thế là đúng, trả lại cho người ta để người ta còn có giấy tờ mà đi lại. Những chuyện như thế với vợ chồng tui là rất đỗi bình thường” - ông Trước chia sẻ.

Văn Dũng