Bình Dương:

Tạm giữ 3 người liên quan vụ xe cẩu làm toàn miền Nam mất điện

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố xe cần cẩu trong lúc nâng cây xanh lên đã để chạm vào đường dây điện 500KV khiến 22 tỉnh thành mất điện. Cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương đang mở rộng vụ việc để làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Hiện trường vụ ngọn cây dầu chạm vào đường dây diện 500KV làm 22 tỉnh thành mất điện vào chiều 22/5
Hiện trường vụ ngọn cây dầu chạm vào đường dây diện 500KV làm 22 tỉnh thành mất điện vào chiều 22/5

Chiều 23/5, Công an tỉnh Bình Dương đã xác định 3 người trực tiếp gây ra vụ mất điện này gồm: Ngô Tấn Thảo (quê Trà Vinh, tài xế xe cẩu), Nguyễn Trung Thành (ngụ TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, phụ xe cẩu) và Huỳnh Văn Hiền (quê Đồng Tháp, người trông giữ vườn ươm cây dầu). Bước đầu, cơ quan điều tra khẳng định đang khẩn trương điều tra, làm rõ.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 14h15’ tài xế Thảo điều khiển xe cần cẩu vận chuyển cây dầu cao khoảng 17,5m tại vườn ươm do Công ty Cây xanh Becamex quản lý có diện tích rộng hàng ngàn m2. Do thiếu quan sát nên tài xế xe cẩu đã để ngọn cây dầu chạm vào đường dây điện 500 KV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định chạy ngang qua khu vực TP mới Bình Dương.

Ngay sau đó một tiếng nổ lớn vang lên, kèm theo tia lửa điện phóng xuống làm cây dầu heo khô, bánh trước của xe cẩu cũng bị nổ tung. Tài xế Thảo may mắn nhảy kịp ra ngoài nên thoát nạn nhưng bị choáng vài phút.

Tại hiện trường vườn ươm nằm ngoài hành lanh lưới điện. Việc để ngọn cây chạm vào đường dây điện 500 KV theo cơ quan công an là do lỗi của 3 người là tài xế xe cẩu, phụ xe và người trông giữ vườn ươm. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra nhận định, đây là sự cố ngoài ý muốn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến 22 tỉnh thành. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn không thể thống kê cụ thể.

Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường

Cơ quan chức năng cũng xác định, cả 3 người trực tiếp liên quan đến sự cố trên đều là công nhân đi làm thuê, có hoàn cảnh khó khăn và không thể đủ khả năng để đền bù thiệt hại cho phía điện lực và đây là sự cố ngoài ý muốn nên phía doanh nghiệp, người dân cũng không thể bắt ngành điện lực bồi thường.

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), sự cố mất điện toàn miền Nam vào chiều 22/5 là sự cố nghiêm trọng.

Hiện Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, những người liên quan đã bị tạm giữ lấy lời khai.
 
Buộc người vi phạm bồi thường là không khả thi
 
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường (Trưởng VPLS Trường - Đoàn Luật sư TPHCM) thì việc xác định mức độ thiệt hại cũng như bồi thường thiệt hại trong vụ việc này không hề đơn giản. Đồng thời, chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp và đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp cũng phải kiểm điểm trách nhiệm qua sự việc này.

Đối với hành vi của tài xế Ngô Đình Thảo khi gây ra vụ việc trên thì phải bị xử phạt hành chính theo điểm đ, khoản 7, điều 15 Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15/06/2010 như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đ) Sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải có chiều cao vượt quá 4,5 mét trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây cao áp trên không hoặc cao quá chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy dẫn đến gây sự cố lưới điện”.

Ngoài ra, tài xế Ngô Đình Thảo còn bị phạt bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 6 của Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15/06/2010 trên. Cụ thể, “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này, mức độ thiệt hại (nếu có thống kê được) là quá lớn để buộc một công dân bình thường như tài xế Thảo. Do đó, việc buộc người vi phạm bồi thường là không khả thi.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Trường, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng ngành điện lực cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của mình theo quy định tại điều 14 của Nghị định 68/2010/NĐ-CP.

Theo đó, trách nhiệm của chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp và của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp là trước khi đóng điện, chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp phải hoàn thành việc di dời hoặc cải tạo nhà ở, công trình, chặt tỉa cây theo quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP. Những tồn tại chưa xử lý được phải lập biên bản, có thống nhất của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp về nội dung tồn tại, biện pháp, thời gian khắc phục. Đồng thời, chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp phải bàn giao đầy đủ hồ sơ liên quan đến bồi thường, hỗ trợ để di dời, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp.
 
Công Quang

Trung Kiên