Tai nạn lao động: Thực tế cao gấp nhiều lần báo cáo

(Dân trí) - Ước tính con số thực tế về tai nạn lao động lên tới 40.000 vụ mỗi năm. Hiện Việt Nam đứng sau nhiều nước trong khu vực về an toàn lao động.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại hội thảo khu vực “Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” vừa diễn ra Hà Nội, số vụ tai nạn lao động năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2012, số người chết và bị thương nặng do tai nạn lao động lên tới gần 2.000 người, gây thiệt hại trên 82 tỷ đồng về tài sản. Năm 2011 cũng ghi nhận gần 6.800 vụ tai nạn lao động, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh, đây chưa phải là những con số thực. Ước tính con số thực tế lên tới 40.000 vụ mỗi năm. Trong đó, các ngành khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất để xảy ra nhiều tai nạn lao động với số người chết cao nhất. “Việt Nam đứng sau nhiều nước trên thế giới, bao gồm phần lớn các nước trong khu vực, về an toàn lao động”- Thứ trưởng Lĩnh nhìn nhận.

Tai nạn lao động: Nỗi đau của nhiều gia đình

Tai nạn lao động: Nỗi đau của nhiều gia đình

Ông Nguyễn Thái Hòa, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về an toàn vệ sinh lao động, đưa ra nhận xét: “Điều kiện làm việc thiếu an toàn gây ra rất nhiều rủi ro có thể dẫn tới tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Điều đáng lo ngại chính là số vụ tai nạn lao động và ca mắc bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành khai thác mỏ và xây dựng”.

Theo thống kê của ILO, cứ mỗi 15 giây, trên thế giới có một công nhân chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, và cứ mỗi 15 giây lại có 160 công nhân bị tai nạn khi đang làm việc. Gánh nặng kinh tế do điều kiện an toàn lao động và vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo ước tính tương đương với 4% GDP toàn cầu mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tổ chức này, phần lớn các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân từ chính con người. Việc tăng cường nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện ở phạm vi lớn hơn không chỉ ở nơi làm việc.

Hiện Chính phủ Nhật Bản và ILO đang giúp Việt Nam cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao trong khuôn khổ một dự án được khởi động trong năm 2012 và kéo dài 3 năm.

Phạm Thanh