1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sống trong mùa… tăng giá

Tốc độ tăng <a href=" http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2005/12/94452.vip">giá tiêu dùng</a> trong năm 2005 ở mức 8,4%. Đây là mức tăng giá cao thứ 3 trong 10 năm trở lại đây. Giá tăng, đời sống của người lao động đã khó khăn lại chồng khó khăn.

Làm đồng nào “xào” đồng nấy

 

Vợ chồng anh Trần Văn Hiểu - công nhân khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM - cho biết: “Lương của hai vợ chồng tôi khoảng gần hai triệu đồng/tháng. Chi phí cho con trai học lớp sáu mỗi tháng 6-7 trăm ngàn. Còn hơn một triệu đồng cho tiền nhà và sinh hoạt cả gia đình. Trong nhà lỡ có ai bị bệnh là không có tiền uống thuốc”.

 

Bà Bảy Tâm ở quận Tân Bình than thở: “Giá cả ngoài chợ “leo” vùn vụt, đi chợ phải tính toán từng đồng mới đủ trang trải cho bữa ăn hằng ngày…”. Bây giờ hàng hóa ngoài chợ không thiếu, nhưng người nghèo chỉ dám mua những mặt hàng vừa với túi tiền.

 

Giá gạo cũng nhích lên so với trước, loại trung bình tăng từ 2.600 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg; loại khá cũng 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg… Gần đây, giá gas cũng tăng từ 80.000 đồng/bình lên 165.000 đồng/bình, có lúc lên tới 180.000 đồng/bình; tiền điện tăng từ 800 đồng/kW lên 1.500 đồng/kW tùy theo định mức.

 

Chị Đinh Thị Phương Oanh - giáo viên một trường tiểu học tại quận 8 - có mức lương xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tháng cũng đang hết sức vất vả với bài toán chi tiêu cho riêng mình. Chị tính: “Tiền xăng xe, tiền ăn và tiền nhà, tiền tiêu vặt đã ngốn hết toàn bộ thu nhập. Cả năm đi làm không có tiền mua quần áo hay thỏi son, đôi giày. Muốn mua đôi giày phải bớt tiền ăn”.

 

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tuy không “lên cơn sốt giá” như vàng bạc, xăng dầu, phân bón… nhưng đều nhích nhẹ và đứng ở mức cao. Bà Thanh Thủy ở quận 3 nói: Ngay rau muống trước đây chỉ 500 đồng/bó, nay đã 3.000 đồng/bó. Thịt heo thì kể từ khi có dịch cúm gia cầm giá tăng nhanh lên tới 25.000 đồng - 40.000 đồng/kg tùy loại.

 

Riêng các quầy bán mặt hàng “cao cấp” với giá 120.000 đồng/kg (thịt bò), 250.000 đồng/kg (cá sặc), 800.000 đồng/kg (tôm khô)… thì người nghèo rất ít dám lui tới!

 

Giá tăng cao - đời sống khó khăn

 

Nhóm sinh viên gồm: Tình, Tâm, Tuấn, Tín thuê phòng trọ rộng vỏn vẹn 10m2 tại quận Tân Bình. Không biết nấu nướng, nhưng từ khi các tiệm cơm bình dân đồng loạt bỏ bảng giá 5.000 đồng/dĩa cơm và treo bảng 7.000 đồng/dĩa thì cả nhóm bắt đầu tính chuyện tự nấu ăn lấy. Tiêu chuẩn đi chợ mỗi ngày là 25.000 đồng cho cả nhóm, hôm nào thâm quỹ thì bữa sau phải trừ lại.

 

Tuấn kể: “Lúc trước, 25.000 đồng còn mua được tàm tạm. Bây giờ, với số tiền ấy, bọn em phải đảo đi đảo lại mấy lần ngoài chợ và kì kèo trả giá mãi. Kiểu này qua Tết chắc mỗi ngày phải đi chợ trên 30 ngàn mất!”.

Mấy tháng nay, nhóm của Tình phải áp dụng “nghệ thuật làm no”, nghĩa là kho cá, kho thịt thật mặn và tăng khẩu phần gạo từ 2kg/ngày lên gần 3kg/ngày cho cái bụng khỏi réo mỗi khi lên lớp.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng - từ Thái Bình vào TPHCM làm ăn - bộc bạch: “Nếu ở quê tôi có công ăn việc làm ổn định thì đâu đến nỗi phải bỏ nhà, bỏ cửa vào đây làm… dân nhập cư chuyên làm thuê, gánh mướn. Tết đến chỉ lo không đủ tiền về thăm quê vì giá cả cái gì cũng tăng…”.

 

Anh Trần Minh ở huyện Hóc Môn nói: Tôi dành dụm được ít tiền gửi ngân hàng, nhưng do lạm phát, trượt giá nên lãi suất chẳng là bao mà còn bị… “âm”. Bà Nguyễn Thị Thu - cán bộ hưu trí quận 1 - tặc lưỡi: “Người già chúng tôi sống bằng đồng lương hưu ít ỏi, do vậy chỉ cần có sức khỏe để đừng phải vào bệnh viện, vì tiền viện phí và giá thuốc tăng…”.

 

Lương: “Cứ mãi là người … đến sau”

 

Nói một cách ví von, cuộc rượt đuổi giữa tiền lương và giá cả luôn là một cuộc chạy marathon không cân sức. Lương tăng một, giá tăng mười. Đó là chưa kể lương chưa kịp tăng (mà chỉ mới nghe nói sẽ tăng) là hàng hóa ngoài chợ đã rục rịch tăng giá.

 

Nhiều người cho rằng việc nhà nước tăng mức lương cơ bản tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng thực chất chỉ là bù trượt giá, chưa phải tăng thu nhập thực tế cho người lao động khi giá cả, dịch vụ đời sống trong thời gian qua đã tăng lên quá nhiều.

 

Theo Bộ Luật Lao động, mức lương tối thiểu phải được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường có thể bù đắp sức lao động và tích lũy tái sản xuất lao động. Thế nhưng trên thực tế, mức lương tối thiểu này chỉ mới đáp ứng được phân nửa nhu cầu tối thiểu nói trên của người lao động.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng