“Sống mòn” ở khu tái định cư thủy điện Hủa Na

(Dân trí) - Thời gian hỗ trợ lương thực sắp hết trong khi chủ đầu tư chưa giao đất trồng lúa nước như cam kết ban đầu khiến hàng trăm hộ dân ở các điểm tái định cư thủy điện Hủa Na như ngồi trên đống lửa. Họ đang phải "sống mòn" ngay trên quê mới.

"Sống mòn" ở khu tái định cư thủy điện Hủa Na

 

Sáng sớm, Lương Văn Đạt (điểm tái định cư Piêng Cu 1, xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) cùng đám bạn đã quây tròn trên manh chiếu để uống rượu. Chẳng biết uống từ lúc nào nhưng khi tôi đến, can rượu 2 lít đã vơi quá nửa. “Không có ruộng, không có việc chi làm thì uống rượu cho qua ngày thôi”, Đạt lí giải.

Điểm tái định cư Piêng Cu 1 (xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) thoạt nhìn tưởng cuộc sống của người dân khấm khá...
Điểm tái định cư Piêng Cu 1 (xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) thoạt nhìn tưởng cuộc sống của người dân khấm khá...

Năm 2012, khi công trình thủy điện Hủa Na (Đồng Văn, Quế Phong) được triển khai, 16 bản và 1.362 hộ dân tại 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn đã được di dời tới 13 điểm tái định cư, trong đó có 7 điểm tái định cư thuộc xã Đồng Văn và Tiền Phong. “Khi di dời khỏi bản Nong Đanh (xã Đồng Văn) để nhường đất cho dự án thủy điện, họ hứa hẹn bao nhiêu điều. Trong 4 năm đầu, chúng tôi sẽ được hỗ trợ hoàn toàn gạo ăn, rồi sẽ được phân chia đất rừng, mỗi khẩu sẽ được 200m2 đất trồng lúa. Thời gian hỗ trợ gạo chỉ còn 2 tháng nữa mà ruộng nước vẫn chưa thấy. Sắp tới chúng tôi không biết sống bằng gì cả” - Lương Văn Đạt cho biết.

Ông Lương Văn Khuyên – cha của Đạt đã cùng vợ về lại bản Nong Đanh sắm thuyền đánh cá, trồng rẫy ở những vạt đất chưa bị ngập để kiếm kế sinh nhai lâu dài cho 6 con người trong nhà.

... không có ruộng sản xuất lúa nước, không có việc làm, sống dựa vào số gạo hỗ trợ, thanh niên trong bản rủ nhau uống rượu từ sáng sớm.
... không có ruộng sản xuất lúa nước, không có việc làm, sống dựa vào số gạo hỗ trợ, thanh niên trong bản rủ nhau uống rượu từ sáng sớm.

Trong khi đó, ông Lô Văn Thứ - trưởng bản Huồi Muồng (khu TĐC Huồi Siu – Huồi Lạn, xã Tiền Phong) cũng đứng ngồi không yên. Khu tái định cư này có 118 hộ dân với 437 nhân khẩu từ bản Huồi Muồng (xã Đồng Văn) đến. Thoạt nhìn, với những căn nhà sàn, giả sàn, san sát nhau, hệ thống đường bê tông rộng, trải dài từ sườn núi này sang sườn đồi khác, ai cũng nghĩ cuộc sống ở nơi ở mới này hẳn khấm khá lắm.

Thế nhưng, đi sâu vào cuộc sống người dân mới thấm thía hết cảnh “sống mòn” của họ. “Không có đất trồng lúa, thời gian hỗ trợ gạo sắp hết, cũng không nghe phía thủy điện Hủa Na có ý kiến gì. Sắp tới chúng tôi không biết lấy gì mà sống. Có một ít đất phân cho các hộ dân nhưng họ chưa xây dựng thì bà con cũng tận dụng khai hoang trồng lúa rẫy nhưng đất xấu quá nên năng suất rất thấp. Trước mắt người dân chúng tôi vào rừng hái lượm lâm sản phụ đắp đổi qua ngày chứ về lâu về dài không biết tính sao”, ông trưởng bản Lô Văn Thứ thở dài.

Điểm tái định cư Huồi Siu - Huồi Lạn bị sạt lở.
Điểm tái định cư Huồi Siu - Huồi Lạn bị sạt lở.

Ở điểm tái định cư Huồi Siu – Huồi Lạn đã xuất hiện những ngôi nhà vắng chủ. Hỏi ra thì được biết, họ khóa cổng để về quê cũ trồng rẫy, nuôi cá hoặc đi vào miền Nam. Những ngôi nhà đã thấy chênh vênh trên miệng vực khi nhiều khu vực bị sạt lở, đe dọa đến an toàn của các công trình xây dựng.

“Theo cam kết thì mỗi năm Công ty CP thủy điện Hủa Na sẽ cấp 4 đợt gạo cho bà con, mỗi đợt là 3 tháng. Nhưng chỉ được năm đầu tiên thôi. Các năm tiếp theo, có năm 3 đợt, có năm 2 đợt. Gạo cấp quá muộn hoặc cấp nhiều một lúc nên dân khi không có gạo ăn, khi ăn không kịp, mốc, hư hỏng hết. Có nhà nhận gạo, có nhà nhận tiền nhưng có khi phải kéo nhau lên huyện ngồi thì mới được nhận”, ông Lô Văn Thông (65 tuổi) nói.

Người dân điểm tái định cư Huồi Siu - Huồi Lạn tận dụng đất trống trồng lúa rẫy.
Người dân điểm tái định cư Huồi Siu - Huồi Lạn tận dụng đất trống trồng lúa rẫy.

Không chỉ cái sự ăn trước mắt và lâu dài mà nguồn nước sinh hoạt của bà con các điểm tái định cư cũng cực kì khan hiếm. Đường ống dẫn nước nhiều lần được sữa chữa, chắp vá để dẫn nước từ trên đỉnh núi về. Có những thời điểm người dân không có nước sinh hoạt, phải ra khe cõng về.

Bà Lô Thị Then (gần 70 tuổi, điểm tái định cư Piêng Cu 1) dẫn tôi lên xem bể nước trên đồi phía sau nhà. Bề nước người dân xây dựng cũng kho coong, bể của chủ đầu tư xây dựng cũng “đóng cửa cài then”. Hình như lâu lắm rồi hai bể nước này không hoạt động, tường mối ăn, sân đầy phân trâu, phân bò, những chiếc van nước đã bắt đầu rỉ, sét.

Bà Lô Thị Then phơi đám lúa rẫy mới thu hoạch. Thời gian hỗ trợ gạo đã hết, ruộng nước chưa có, bà Then lo cả gia đình sẽ phải chịu cảnh ăn đói.
Bà Lô Thị Then phơi đám lúa rẫy mới thu hoạch. Thời gian hỗ trợ gạo đã hết, ruộng nước chưa có, bà Then lo cả gia đình sẽ phải chịu cảnh ăn đói.

Bà Then liên tục thở dài: “Ri (như thế này – PV) thì chết mất thôi. Không có ruộng, không có nước không biết sống như răng”. Vợ chồng người con trai của bà cũng đã trở về quê cũ để làm ăn, thỉnh thoảng ra đây thăm mẹ.

“Người dân tái định cư chưa được cấp ruộng nước, thời hạn hỗ trợ gạo chỉ tính bằng tháng nhưng đến thời điểm này cũng không thấy phia chủ đầu tư động tĩnh gì. Cuộc sống của người dân các điểm tái định cư bấp bênh, không ổn định, nguy cơ tăng hộ nghèo của xã đã hiện hữu trước mắt”, ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong thở dài.

Bể chứa, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân điểm TĐC Piêng Cu lâu lắm rồi không còn hoạt động.
Bể chứa, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân điểm TĐC Piêng Cu lâu lắm rồi không còn hoạt động.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Trương Minh Cương – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong, ông Cương cho biết, hai điểm tái định cư Huồi Siu – Huồi Lạn và Piêng Cu là hai điểm tái định cư sớm nhất của công trình thủy điện Hủa Na. Và đây cũng là 2 điểm tái định cư chưa được cấp đất trồng lúa nước như cam kết ban đầu của chủ đầu tư. Lý do được đưa ra là do địa hình, nguồn nước… không cho phép thực hiện việc khai hoang để có diện tích trồng lúa nước.

Ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong: Chúng tôi đang tính phương án thay thế việc khai hoang ruộng trồng lúa nước cho người dân tái định cư thủy điện Hủa Na.
Ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong: "Chúng tôi đang tính phương án thay thế việc khai hoang ruộng trồng lúa nước cho người dân tái định cư thủy điện Hủa Na".

“Việc khai hoang lấy đất trồng lúa nước trong điều kiện thực tế hiện nay, nếu quyết tâm làm sẽ tốn một số kinh phí quá lớn. Chúng tôi đã tính đến phương án thay đổi hình thức hỗ trợ cho người dân hai điểm tái định cư này. Thay vì giao đất trồng lúa nước, chủ đầu tư sẽ bàn giao giống con, giống cây cho người dân. Huyện cũng đề nghị Ban quản lý rừng Pù Hoạt giao thêm đất rừng cho người dân bảo vệ, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên phương án này chưa được người dân đồng tình.

Tuần tới huyện và Công ty CP thủy điện Hủa Na sẽ tiếp tục làm việc với người dân về vấn đề này. Còn riêng về phần hỗ trợ gạo đã có quy định cụ thể tại Quyết định 64/2014, trong khi chưa bàn giao được đất trồng lúa cho người dân thì phía công ty thủy điện Hủa Na sẽ phải tiếp tục cấp gạo cho người dân đến khi họ ổn định cuộc sống”, ông Trương Minh Cương cho biết.

Hoàng Lam

(Còn tiếp)