Sống mòn ở khu tái định cư: Chủ đầu tư bị tố bỏ rơi người dân

(Dân trí) - Gạo cấp muộn, chưa có ruộng trồng lúa nước như đã cam kết, các khoản bồi thường về tài sản của người dân chưa được chi trả…, Công ty CP thủy điện Hủa Na bị tố bỏ rơi hàng nghìn hộ dân đã nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Hủa Na.

Chủ đầu tư bị tố bỏ rơi người dân ở các điểm tái định cư thủy điện Hủa Na

 

Năm 2012, khi công trình thủy điện Hủa Na (Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An) được triển khai, 16 bản với 1.362 hộ dân tại 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn đã được di dời tới 13 điểm tái định cư, trong đó có 7 điểm tái định cư thuộc xã Đồng Văn và Tiền Phong. Sau gần 4 năm rời quê hương bản quán nhường đất cho công trình thủy điện lớn nhất huyện cùng với bao nhiêu lời hứa hẹn của chủ đầu tư, cuộc sống của người dân ở nơi ở mới vẫn hết sức bấp bênh.

Một góc điểm tái định cư Piêng Cu 1 (xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An).
Một góc điểm tái định cư Piêng Cu 1 (xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An).

Lang Văn Hải (SN 1988, điểm tái định cư Piêng Cu 1, xã Tiền Phong, Quế Phong) ngán ngẩm: “Về đây, ngoài cái nhà ra thì vợ chồng em không có gì cả. Gạo thì mấy năm qua ngồi chờ họ cấp, đất trồng lúa thì chưa có, nước sinh hoạt thì lúc có lúc không. Muốn sống ổn định lâu dài nhưng như thế này thì khó sống lắm”.

Không có đất ruộng, đất rừng được phân nhưng chưa đến kỳ thu hoạch, gạo thì 3 tháng, thậm chí đến 6 tháng mới được cấp 1 lần nên hai vợ chồng Hải vào rừng hái củ măng, rau dại hay kiếm vạt đất trống nào đó trong điểm tái định cư trồng một ít lúa nương. “Họ bảo hết năm nay là hết hỗ trợ gạo, rứa là sắp đói rồi, phải “bới đất, lặt cỏ” mà sống tiếp chứ quê cũ giờ ngập cả rồi, không về được nữa”, Hải buồn rầu.

Lang Văn Hải: Người dân muốn sống ổn định lâu dài chứ không muốn ngồi chờ gạo hỗ trợ
Lang Văn Hải: "Người dân muốn sống ổn định lâu dài chứ không muốn ngồi chờ gạo hỗ trợ"

Bà Hà Thị Phong (65 tuổi) từ bản Huồi Muồng (xã Đồng Văn) ra điểm tái định cư Huồi Siu – Huồi Lạn (xã Tiền Phong) sinh sống. “Hơn 3 năm rồi chưa có đất sản xuất, chưa có đất làm ăn. Đề nghị cấp trên cấp đất ruộng cho người dân làm ăn để sinh sống lâu dài. Nếu không cấp được đất ruộng thì cấp tiền cho dân để đi mua ruộng hoặc làm việc khác mà sống”.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với đời sống của người dân hậu tái định cư, ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nói: “Trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi thực hiện dự án tái định cư còn hời hợt, chưa thực sự quan tâm đến người dân. Trước đây, khi thực hiện dự án thì phía Công ty CP thủy điện Hủa Na còn có trách nhiệm, bây giờ thì trách nhiệm của chủ đầu tư hạn chế rất nhiều. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đến sự phát triển chung của toàn xã vì một số người dân không có công ăn việc làm nên công tác xóa đói giảm nghèo rất khó, có khả năng tỉ lệ hộ nghèo sẽ tăng, người dân không có gì để có thu nhập ngoại trừ chờ vào sự trợ cấp và hái lượm lâm sản phụ trong rừng”.

Cuộc sống của người dân tái định cư thủy điện Hủa Na hết sức bấp bênh.
Cuộc sống của người dân tái định cư thủy điện Hủa Na hết sức bấp bênh.

Xã Đồng Văn có 4 điểm tái định cư gồm 5 bản với 350 hộ dân bị ảnh hưởng của cuộc di dời phục vụ cho công trình thủy điện Hủa Na. Sau 4 năm đến nơi ở mới người dân vẫn chưa được cấp đất trồng lúa. Ông Nguyễn Bá Hiền – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn thẳng thắn: “Chủ đầu tư (tức Công ty CP thủy điện Hủa Na – PV) rất thiếu quan tâm đến người dân tái định cư. Gạo họ cấp thế nào thì nhận thế đó, có thời điểm cấp muộn cả nửa tháng, có khi lại cấp nửa năm một, người dân ăn không kịp, không bảo quản được dẫn đến hư hỏng, mốc.

Ngoài việc cấp ruộng nước cho dân sản xuất thì phần hỗ trợ sản xuất chưa động chạm một chút nào. Hiện công ty còn nợ tiền đền bù của người dân, trong đó có hơn 18 tỷ đền bù (đất, nhà cừa, cây cối) đã được kiểm kê, áp giá và phê duyệt phương án bồi thường. Ngoài ra còn có 25 phương án đền bù phía Hủa Na chưa thẩm định để huyện thẩm định chi trả, khái toán khoảng 123 tỷ đồng. Chủ đầu tư khi chặn được dòng để phát điện thì họ quay 180 độ, bỏ rơi người dân”.

Bà Hà Thị Phong đề nghị nếu không cấp được ruộng cho người dân trồng lúa thì chủ đầu tư trả tiền cho người dân mua ruộng nơi khác để làm ăn, sinh sống lâu dài.
Bà Hà Thị Phong đề nghị nếu không cấp được ruộng cho người dân trồng lúa thì chủ đầu tư trả tiền cho người dân mua ruộng nơi khác để làm ăn, sinh sống lâu dài.

Không chỉ chưa thực hiện cam kết cấp đất trồng lúa mà việc cấp gạo hỗ trợ người dân theo quy định của Bộ NN&PTNN cũng không kịp thời. Theo ông Vi Văn Thắng – Phó ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong thì trong thời gian 4 năm sau khi di dời đến nơi ở mới, Công ty CP thủy điện Hủa Na phải cấp gạo cho người dân, mỗi năm 4 quý, mỗi quý 3 tháng.

Tuy nhiên có những lúc chủ đầu tư cấp tiền cho đơn vị cung ứng gạo chậm nên Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của huyện Quế Phong phải đề nghị đơn vị cung ứng ứng trước gạo để đảm bảo đời sống trước mắt cho người dân. “Hai quý vừa rồi có thời điểm chậm đến 2 tuần. Dân hết gạo ăn thì huyện phải nhờ đơn vị cung ứng cấp gạo trước cho dân, sau đó Hủa Na mới chuyển tiền về cho”, ông Thắng nói.

Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong: Chủ đầu tư chưa quan tâm đến người dân tái định cư.
Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong: "Chủ đầu tư chưa quan tâm đến người dân tái định cư".

Theo ông Trương Minh Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, thời điểm hiện tại phải cần khoảng 100 tỷ thì mới có thể giải quyết cơ bản những khó khăn của người dân tái định cư thủy điện Hủa Na. Đã có nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người dân nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

“Trách nhiệm của chủ đầu tư trước đây, có thể nói là sự phối hợp với UBND huyện là rất tốt, nhất là định mức đền bù, hỗ trợ đời sống cho bà con để xây dựng các điểm tái định. Thời gian sau này có lẽ do khó khăn nhiều cái nên chủ đầu tư không được như trước, không có mối quan tâm, mối liên hệ công tác với huyện và Hội đồng GPMB như trước. Chủ đầu tư đã có cam kết trong năm nay sẽ giải quyết những vướng mắc căn bản ở các điểm tái định cư, đặc biệt là ổn định sản xuất, chi trả các khoản đền bù giải phóng mặt bằng đang còn nợ người dân và thống nhất phương án để xây dựng các điểm tái định cư chưa hoàn chỉnh”.

Nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An đã được ban hành nhưng những vướng mắc tại các điểm tái định cư thủy điện Hủa Na vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An đã được ban hành nhưng những vướng mắc tại các điểm tái định cư thủy điện Hủa Na vẫn chưa được giải quyết.

Năm 2015 chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc nhưng xem ra những khó khăn của người dân tái định cư thủy điện Hủa Na vẫn chưa được giải quyết. Liệu trong thời gian ngắn như vậy, những cam kết của chủ đầu tư, cụ thể là Công ty CP thủy điện Hủa Na có trở thành hiện thực?

Hoàng Lam